This is an example of a HTML caption with a link.

Wednesday, January 15, 2014

Đại án Huyền Như (luận cứ bảo vệ SBBS)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 01 năm 2014

Luật sư Nguyễn Minh Tâm
- Đại diện VKSND TP. HCM
Kính thưa : - Hội đồng xét xử - TAND TP. HCM
Tôi - luật sư Nguyễn Minh Tâm và luật sư Nguyễn Thị Minh Phương - Văn phòng luật sư Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (“SBBS”) trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án được Quý tòa đưa ra xét xử từ ngày 06 – 25/01/2014. Trong vụ án này, TAND TP. Hồ Chí Minh đã xác định Cty SBBS là “Nguyên đơn dân sự”. Công ty SBBS không đồng ý với tư cách tố tụng này và đã có Đơn yêu cầu với hai nội dung : 1) Xác định rõ họ không phải là nguyên đơn dân sự và 2) Yêu cầu Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm trả lại số tiền 210 tỷ đồng trong tài khoản được mở hợp pháp tại Viettinbank – Chi nhánh TP HCM !

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo dõi giai đoạn xét hỏi và nghe lời luận tội của vị đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh thừa ủy quyền công tố của VKSNDTC tại phiên tòa, chúng tôi xin trình bày bản luận cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho SBBS tại phiên xử sơ thẩm này với một niềm tin rằng, Hội đồng xét xử sẽ lắng nghe và tham khảo những ý kiến của chúng tôi để có phán quyết khách quan, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ chúng tôi - Công ty SBBS ! 


1. Tóm tắt kết luận của Cáo Trạng :

Theo Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSTC-V1 ngày 16/10/2013, Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Công ty SBBS với Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè, ký giả chữ ký của Hà Tuấn Anh, Giám đốc và Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè và đóng dấu giả của Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè để huy động tổng số tiền 245 tỷ đồng của SBBS nhưng thực tế Công ty SBBS chỉ chuyển 225 tỷ đồng. Để chiếm đoạt được số tiền 225 tỷ đồng của Công ty SBBS, Như đã yêu cầu Công ty mở tài khoản tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, khi Công ty SBBS chuyển tiền vào tài khoản của Cty tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như đã vay trước đó. Đến nay, Như còn chiếm đoạt của Công ty SBBS số tiền 210 tỷ đồng…

Như vậy, lập luận của Cáo trạng đã cho rằng : Công ty SBBS đã bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối ký 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giả, hướng dẫn Công ty SBBS mở tài khoản tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM và dùng các thủ đoạn gian dối khác để chiếm đọat số tiền 210 tỷ đồng của Công ty SBBS !

Cáo trạng đã biến Công ty SBBS thành nạn nhân trực tiếp của Huỳnh Thị Huyền Như và trở thành pháp nhân bị thiệt hại do chính hành vi lừa đảo của Huyền Như. Theo lô gích trong lập luận của Cáo trạng, Huyền Như phải có trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho Công ty SBBS, chứ không phải là Vietinbank- Chi nhánh TP HCM (!).

Qua giai đoạn tố tụng xét hỏi tại phiên tòa từ ngày 07 đến hết ngày 10/01/2014, các luật sư gặp những khó khăn nhất định từ phía đại diện Vietinbank khi được Hội đồng xét xử cho phép ngồi nghe và ghi nhận những câu hỏi của các luật sư, sau đó sẽ trả lời chung về các vấn đề được hỏi chứ không phải trả lời trực tiếp từng câu hỏi như thường lệ, vì “sợ bị trùng lặp” và mất thời gian (!), một ngoại lệ hiếm thấy trong tố tụng xét hỏi. Tuy nhiên, những vấn đề bản chất của vụ án cũng đã được hé lộ để có thể rút ra được những kết luận xác thực về vai trò của Vietinbank – Chí nhánh TP HCM trong vụ án này.

Tiếc rằng, mở đầu phần tranh luận với các luật sư, đại diện VKS vẫn duy trì quan điểm theo bản Cáo trạng; hơn nữa, còn giải thích rõ rằng, hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như đã hoàn thành từ thời điểm các pháp nhân (gồm các ngân hàng, Công ty) và các cá nhân gửi tiền vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, chứ không phải được hoàn thành từ thời điểm Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối để rút tiền ra !

Quả thật, chúng tôi không thể hiểu được kết luận như thế của Quý Viện về thời điểm “hoàn thành tội phạm” của Huỳnh Thị Huyền Như dựa trên căn cứ pháp lý nào trong lý luận về “ tội phạm hoàn thành” của tội có cấu thành vật chất như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ?

Song, trong lời luận tội, Quý viện cũng đã thừa nhận rằng, Huỳnh Thị Huyền Như đã “lừa dối cả lãnh đạo Vietinbank”, rằng, “Vietinbank đã có những sơ hở trong hoạt động quản lý nghiệp vụ để Huyền Như qua mặt, làm giả các lệnh chuyển tiền để rút tiền từ tài khoản của khách hàng…” (!). Chỉ có điều, Quý viện lại không đi sâu phân tích mối quan hệ NHÂN – QUẢ giữa các thủ đoạn gian dối đó của Huyền Như với hậu quả của việc chiếm đoạt tiền do các “sơ hở” của Vietinbank để xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án này, lại quy hết cho Huỳnh Thị Huyền Như phải chịu trách nhiệm để “giải thoát” cho Vietinbank (!). Đây chính là mâu thuẫn cơ bản nhất trong lập luận của Quý vị đại diện VKS thực hiện quyền công tố trước Tòa !

Hy vọng luận cứ này của chúng tôi có thể sẽ góp phần làm sáng tỏ cái “mâu thuẫn” nội tại đó trong quan điểm của Đại diện VKS, để tìm ra sự thật khách quan, công bằng của việc xác định chủ thể của trách nhiệm dân sự là ai ? Vietinbank hay Huỳnh Thị Huyền Như (?) mới bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp của vấn đề trách nhiệm dân sự với số tiền gần 4000 tỷ đồng trong vụ “Đại án” này !

2. Luận cứ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (“SBBS”).

 Luận cứ 1 : Công ty SBBS không phải là “nguyên đơn dân sự” trong vụ án này.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về “nguyên đơn dân sự” tại Khoản 1 Điều 52 như sau :
“ Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”. 

Đối chiếu với quy định này, chúng tôi thấy không có căn cứ pháp lý để xác định Công ty SBBS là “Nguyên đơn dân sự” như Quý tòa xác định. Mặc dù, trước ý kiến của các đại diện pháp nhân họ không phải là nguyên đơn dân sự, đã được Quý tòa giải thích rằng, sở dĩ Tòa triệu tập họ với tư cách tham gia tố tụng như vậy là theo quan điểm của Cáo trạng, còn trong quá trình xét xử, nếu có căn cứ pháp lý xác định họ không phải là “nguyên đơn dân sự” thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét quyết định !

Chúng tôi rất hy vọng về thông báo này của Quý tòa !

Để chứng minh điều này, chúng tôi căn cứ vào các luận chứng sau đây :

Thứ nhất, Công ty SBBS không phải là “tổ chức bị thiệt hại do tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Huỳnh Thị Huyền Như.

Về diễn biến của hành vi phạm tội của Huyền Như, chúng tôi tạm chia ra thành hai giai đoạn. Thực ra, việc phân chia thành hai giai đoạn là để xem xét tính chất của hai loại hành vi gian dối của Huyền Như có liên quan đến hậu quả chiếm đoạt. Còn trên thực tế, mỗi lần Công ty SBBS chuyển tiền vào thì liền sau đó, Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối qua mặt Vietinbank – Chi nhánh TP HCM để rút ra, thực hiện việc chiếm đoạt ngay số tiền vừa chuyển, chứ không phải Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối một lần để rút tổng số tiền 210 tỷ đồng trong tài khoản của Công ty SBBS.

- Giai đoạn 1 : Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối để “dụ” Công ty SBBS gửi tiền vào Vietinbank – Chi nhánh TP HCM :

Huỳnh Thị Huyền Như “dụ” Công ty SBBS ký 14 Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn. Vì tin tưởng vào uy tín và thực lực của Vietinbank trong hệ thống ngân hàng thương mại, nên Công ty SBBS đã ký các hợp đồng này. Làm sao lại không tin khi nhìn vào nhân thân Huyền Như và cương vị của cô ta đang nắm giữ tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM? Trước khi ký hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đầu tiên, Công ty SBBS đã mở tài khoản thanh toán số 102010001266041 vào ngày 18/5/2011. Tài khoản này được ghi nhận tại Điều 3 của Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đầu tiên và được xác định trong 13 hợp đồng tiếp theo.

Sau khi mở tài khoản, Công ty SBBS thực hiện quyền của chủ tài khoản, từ ngày 18/5/2011 đến ngày 16/8/2011, đã 16 lần chuyển tiền từ các tài khoản mở tại các ngân hàng khác về tài khoản này tại Vietinbank, với tổng số tiền là 225 tỷ đồng. 

Đến ngày 31/8/2011, Công ty SBBS đã phát lệnh chuyển số tiền 15 tỷ đồng từ tài khoản này đến tài khoản của Công ty mở tại Saigonbank. Điều này chứng minh rõ, số tiền 15 tỷ đồng rút ra từ tài khoản số 102010001266041 của SBBS tại Vietinbank theo lệnh của Chủ tài khoản SBBS chứ không phải là số tiền vốn do Huỳnh Thị Huyền Như chuyển trả như Cáo trạng đánh giá theo lời khai của Huyền Như !

Việc chuyển tiền của Công ty SBBS vào tài khoản của mình tại Vietinbank TP HCM vẫn chưa là nguyên nhân dẫn đến hậu quả số tiền đó bị chiếm đoạt, nếu không có thủ đoạn gian dối tiếp theo mà chúng tôi gọi là “giai đoạn 2” – Giai đoạn hoàn thành hành vi chiếm đoạt.

- Giai đoạn 2 : Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối trong nghiệp vụ ngân hàng để rút tiền từ tài khoản số 102010001266041 của Công ty SBBS tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, hoàn thành hành vi chiếm đoạt.

Các thủ đoạn gian dối được Huỳnh Thị Huyền Như áp dụng trong giai đoạn này là : giả chữ ký của Chủ tài khoản, làm giả con dấu của Cty SBBS để đóng vào lệnh chuyển tiền, lừa các giao dịch viên và chính Huyền Như ký tên với tư cách Kiểm soát viên để chuyển tiền đi theo các địa chỉ của Huyền Như…

Các thủ đoạn gian dối này của Huyền Như, SBBS không hề biết nên không phải là người bị Huyền Như lừa, mà chính Vietinbank đã bị Huyền Như qua mặt – nói như Đại diện VKS trong lời luận tội rằng, Huyền Như đã “lừa dối” và “lợi dụng sơ hở trong quản lý” của lãnh đạo Vietinbank” - để rút tiền ra và chiếm đoạt.

Phân tích trên có thể dẫn đến tiểu kết rằng : Chính những sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ ngân hàng mới là điều kiện cho Huyền Như tiếp tục thực hiện thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của Công ty SBBS tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM. Công ty SBBS không phải là người bị lừa trong thủ đoạn gian dối này. Nạn nhân của các thủ đoạn gian dối này chính là Vietinbank – Chi nhánh TP HCM. Họ mới chính là đơn vị bị hại – trong hành vi chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, vì chính Vietinbank – Chi nhánh TP HCM là người đang quản lý giám sát việc sử dụng tài khoản của Công ty SBBS theo quy định của pháp luật về tín dụng ngân hàng.

Cứ cho rằng, dẫu Công ty SBBS có ký các Hợp đồng ủy thác đầu tư vốn và chuyển tiền của mình vào tài khoản được mở hợp pháp tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM thì, nếu Huỳnh Thị Huyền Như không dùng các thủ đoạn gian dối tiếp theo để chiếm đoạt – như đã phân tích ở trên – thì Công ty SBBS không bị mất tiền. 

Như vậy, hậu quả của việc chiếm đoạt tiền của Cty SBBS trong tài khoản mở tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM có nguyên nhân trực tiếp từ việc Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối để qua mặt, lừa dối Vietinbank – Chi nhánh TP HCM. Đây là mối quan hệ NHÂN – QUẢ tất yếu giữa hành vi gian dối và hậu quả chiếm đoạt tiền, hai yếu tố cốt tử của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, một loại tội có cấu thành vật chất, đòi hỏi phải có hậu quả chiếm đoạt tiền đã xảy ra, tội phạm mới được coi là hoàn thành.

Đó là mối quan hệ biện chứng, khách quan, không thể phủ nhận !

Phân tích trên đây của chúng tôi đã làm rõ tính không có căn cứ trong đánh giá của Đại diện VKS về thời điểm hoàn thành tội phạm của Huỳnh Thị Huyền Như được tính từ khi Cty SBBS gửi tiển vào tài khoản tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM! Bởi vì, nếu việc gửi tiền vào tài khoản đã “ hoàn thành tội phạm”, tức là đã chiếm đoạt tiền rồi thì hà cớ gì Huyền Như phải dùng các thủ đoạn gian dối tiếp theo để chiếm đoạt tiền một lần nữa ?

Qua phân tích trên, chúng tôi thấy có đủ căn cứ để rút ra kết luận rằng : Công ty SBBS không phải là “đơn vị bị hại” do hành vi phạm tội của Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của họ tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM. Huỳnh Thị Huyền Như đã gây thiệt hại cho Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, chứ không phải gây thiệt hại cho Công ty SBBS, vì số tiền đó đang nằm trong quyền quản lý, kiểm soát của Vietinbank – Chi nhánh TP HCM. Với tư cách là “đơn vị bị thiệt hại”, Vietinbank – Chi nhánh TP HCM có quyền yêu cầu Huỳnh Thị Huyền Như bồi thường số tiền 210 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt.

Thứ hai, Do Công ty SBBS không phải là “Nguyên đơn dân sự” trong vụ án này nên họ đã không có Đơn yêu cầu Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường mà họ yêu cầu Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 210 tỷ đồng cùng lãi suất theo quy định của Ngân hàng.

 Luận cứ 2 : Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền 210 tỷ đồng cho Công ty SBBS.

Đưa ra luận cứ này, chúng tôi căn cứ vào các luận chứng sau đây :

Thứ nhất, Tài khoản số 102010001266041 của Công ty SBBS mở tại Vietinbank – Chi nhánh TP HCM là hoàn toàn hợp pháp.

Bằng chứng là, trong Giấy đề nghị mở tài khoản số 300145257 đề ngày 18/5/2011 do đích thân bà Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc Công ty SBBS ký. Phần đăng ký mẫu chữ ký và dấu cũng do bà Tổng giám đốc ký cùng chữ ký của Người được ủy quyền 1 là ông Nguyễn Kim Loong và chữ ký của Kế toán trưởng Vũ Thị Mỹ Linh cùng người được ủy quyền 1 của kế toán trưởng là Đinh Thị Phương Tuấn. Giấy đề nghị mở tài khoản này được ông Trương Minh Hoàng, đại diện Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phê duyệt, kèm theo chữ ký của Giao dịch viên Phạm Thị Tuyết Anh và Kiểm soát viên Huỳnh Thị Huyền Như.

Giấy đề nghị mở tài khoản của Công ty SBBS là hồ sơ gốc, là giấy thật, do chính những người có thẩm quyền của Công ty SBBS lập, không phải do Huỳnh Thị Huyền Như làm giả như một số pháp nhân khác. Điều này đã được chính Huỳnh Thị Huyền Như xác định trong lời khai tại Biên bản hỏi cung bị can hồi 09 giờ ngày 17/4/2012 (BL 1322) như sau :

“ Về các hồ sơ mở tài khoản, tôi chỉ thay bộ hồ sơ mở tài khoản của Công ty Phúc Vinh và Công ty Thịnh Phát vì chữ ký của ông Vũ Đắc Phúc và Nguyễn Văn Hùng rất khó ký giống. Tôi ký nhiều lần thấy vẫn không giống, nếu để hồ sơ gốc để mở tài khoản, tôi lo việc mình ký giả vào lệnh chuyển tiền đi sẽ bị phát hiện, nên tôi dựa vào chữ ký gốc để ký giả (Tôi thay bộ hồ sơ mở tài khoản mới và ký giả vào đó). Các chủ tài khoản của các công ty còn lại, tôi đều ký giả rất giống họ nên tôi không thay hồ sơ mở tài khoản”.

Lời xác nhận của Huỳnh Thị Huyền Như đã chứng minh tính chất hợp pháp của Hồ sơ mở tài khoản của Cty SBBS. Điều này, đại diện VKS đã không xem xét đến khi kết luận về trách nhiệm dân sự.

Tài khoản được mở hợp pháp thì phát sinh hiệu lực thực hiện đối với Chủ tài khoản là Công ty SBBS và Vietinbank – Chi nhánh TP HCM.

Thứ hai, Căn cứ Điều 12 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Ngân hàng Nhà nước quy định như sau :

Điều 12. Trách nhiệm của Ngân hàng
1 - Hướng dẫn khách hàng thực hiện đúng các quy định về lập hồ sơ mở tài khoản, lập chứng từ giao dịch và các quy định có liên quan trong việc sử dụng tài khoản. Ngân hàng có trách nhiệm phát hiện và điều chỉnh kịp thời các tài khoản mở sai hoặc sử dụng chưa chính xác.
2 - Thực hiện đầy đủ, kịp thời các lệnh thanh toán, các yêu cầu sử dụng tài khoản của khách hàng phù hợp với quy định hoặc thoả thuận giữa Ngân hàng và khách hàng. Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại dịch vụ, phương tiện thanh toán cần thiết phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng qua Ngân hàng. 
3 - Thực hiện hạch toán theo các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên cơ sở các chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ nhận được. Điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản theo quy định.
4 - Gửi kịp thời, đầy đủ Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, Bản sao sổ tài khoản, Giấy báo số dư tài khoản theo yêu cầu của người sử dụng tài khoản. Thông tin kịp thời về những giao dịch thanh toán và số dư tài khoản cho khách hàng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
5 - Bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản và giao dịch trên tài khoản của khách hàng theo quy định.
6 - Bảo quản, lưu trữ hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản theo đúng cách thức và thời hạn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
7 - Niêm yết công khai các quy định về mở và sử dụng tài khoản.
8 - Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”.
Đối chiếu với quy định tại Điều 12, chúng tôi thấy Vietinbank – Chi nhánh TP HCM có những vi phạm sau đây :
Vi phạm khoản 2 :
- Đã thực hiện các lệnh thanh toán giả, các yêu cầu sử dụng tài khoản giả của Huỳnh Thị Huyền Như;
- Không kiểm soát và phát hiện các lệnh thanh toán giả, không lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố do Chủ tài khoản là Công ty SBBS đã đăng ký hợp pháp và được lãnh đạo Vietinbank – Chi nhánh TP HCM chấp thuận, phê duyệt, tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như dễ dàng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền;

Vi phạm Khoản 4 :
- Không gửi kịp thời, đầy đủ giấy báo Nợ, Giấy báo Có, Bản sao sổ tài khoản, Giấy báo số dư tài khoản theo yêu cầu của Công ty SBBS; Không thông tin kịp thời về những giao dịch thanh toán và số dư tài khoản cho Công ty theo cam kết trong Giấy đề nghị mở tài khoản của Công ty SBBS.

Bằng chứng : Trong Giấy đề nghị mở tài khoản ngày 18/5/2011, Công ty SBBS và Vietinbank – chi nhánh TP HCM đã thỏa thuận tại Mục Chu kỳ in sao kê đã xác định Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải thông tin hàng tháng theo phương thức báo qua Bưu điện cho Công ty SBBS.

Nhưng trên thực tế, Vietinbank – Chi nhánh TP HCM đã không thực hiện trách nhiệm này. Nếu Vietinbank – Chi nhánh TP HCM thực hiện đúng trách nhiệm thông tin theo cam kết này thì ngay từ lệnh chuyển tiền giả lần đầu tiên của Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty SBBS sẽ phát hiện ra và ngăn chặn kịp thời, hậu quả chiếm đoạt sẽ được khắc phục.

Như vậy, Vietinbank – Chi nhánh TP HCM đã hoàn toàn có lỗi trong khâu quản lý , giám sát việc sử dụng tài khoản của Công ty SBBS nên họ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 8 Điều 12 : “ Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”. Lỗi vi phạm đó là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm của Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là số tiền 210 tỷ đồng đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt cùng lãi suất theo quy định của ngân hàng.

Thứ ba, theo Luật dân sự, quan hệ giữa Vietinbank – Chi nhánh TP HCM với Công ty SBBS là một quan hệ pháp luật dân sự. Những vi phạm của Vietinbank – Chí nhánh TP HCM làm phát sinh trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho Công ty SBBS.

Hồ sơ mở tài khoản của Công ty SBBS có tính chất là một giao dịch dân sự (Hợp đồng dịch vụ) trong lĩnh vực tín dụng thanh toán giữa Vietinbank – Chi nhánh TP HCM với Công ty SBBS. Trong quan hệ dịch vụ này, hai bên đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Về nguyên tắc, Chủ tài khoản là sở hữu của số dư CÓ và NỢ trong tài khoản. Số tiền CÓ trong tài khoản của Chủ tài khoản chỉ tồn tại trên hình thức giấy tờ, còn tiền thật đã nằm trong kho quỹ chung của ngân hàng, không thể phân biệt được tiền của Công ty SBBS với tiền của các khách hàng khác. Chủ sở hữu là Cty SBBS có quyền định đoạt số tiền trong tài khoản bằng các lệnh thanh toán khi có nhu cầu, còn Vietinbank – Chi nhánh TP HCM thực tế là người quản lý, giám sát việc sử dụng số tiền đó và thực hiện trách nhiệm thanh toán theo yêu cầu của Chủ tài khoản trong các giao dịch dân sự, thương mại…

Trong quan hệ dịch vụ này, lỗi vi phạm của Vietinbank – Chi nhánh TP HCM đã dẫn đến hậu quả để cho Huỳnh Thị Huyền Như dùng các thủ đoạn gian dối, lợi dụng sự sơ hở trong quản lý nghiệp vụ để chiếm đoạt số tiền 210 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty SBBS. Lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm này của Vietinbank – Chi nhánh TP HCM đã làm phát sinh trách nhiệm dân sự của họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty SBBS ! Chính vì lỗi này nên một số cán bộ, nhân viên Vietinbank – Chi nhánh TP HCM, theo Cáo trạng đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, hiện là bị cáo trong vụ án này.

3. Kiến nghị.
Từ những luận cứ pháp lý đã được trình bày trên, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử quan tâm xem xét, chấp thuận cho yêu cầu của Công ty SBBS đã được nêu trong Đơn và trình bày tại phiên tòa là :

Buộc Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 210 tỷ đồng cùng lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kính thưa Hội đồng xét xử !
Kính thưa đại diện VKS !
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được coi là “Đại án” với số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam. Vụ án này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Những ngày qua, theo dõi diễn biến phiên tòa, giới luật sư chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu gì đó không bình thường như : Đại diện VKS thực hiện quyền công tố tại tòa đã trả lời không cần xét hỏi gì thêm trong khi có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn nảy sinh qua lời khai của các bị cáo, thậm chí có bị cáo kêu oan, đặc biệt là ý kiến của các pháp nhân Ngân hàng, Công ty… lên tiếng phản đối tư cách “nguyên đơn dân sự” của họ. Những vấn đề đó lẽ ra cần phải được đại diện VKS xét hỏi cho rõ để bảo vệ quan điểm truy tố và kết luận của bản Cáo trạng ! Thái độ trả lời né tránh của Huỳnh Thị Huyền Như và Đại diện Vietinbank trước câu hỏi của các luật sư cũng cho thấy những điều khác lạ, khiến những người chứng kiến phải đặt câu hỏi nghi vấn, hình như trong thâm tâm, họ biết rõ những điều bất lợi, nếu sự thật được làm rõ trước thanh thiên bạch nhật?
Với tư cách Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty SBBS, chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ làm xấu đi tình trạng của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như về mặt tội danh như dư luận đã có ý kiến mà chỉ muốn làm sáng rõ bản chất của sự thật trong xác định chủ thể của trách nhiệm dân sự đối với Công ty SBBS trong vụ án này.

Việc chúng tôi khẳng định rõ trách nhiệm dân sự của Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải hoàn trả số tiền 210 tỷ đồng cho Công ty SBBS cùng lãi suất theo quy định có thể sẽ gây bất lợi về mặt tài sản cho họ, nhưng về sâu xa, thiết nghĩ, quan điểm của chúng tôi sẽ có ý nghĩa giúp Vietinbank củng cố được uy tín vốn đã được tập thể cán bộ nhân viên ở đây dầy công xây dựng suốt hàng chục năm trời trong nền kinh tế đang có nhiều biến động khó lường. Họ có thể mất đi số tiền đó nhưng cái họ được lớn hơn, có ý nghĩa lâu dài cho sự phát triển trong tương lai, đó là LÒNG TIN CỦA KHÁCH HÀNG, mở rộng ra là LÒNG TIN CỦA NHÂN DÂN đối với Vietinbank, một tổ chức tín dụng mà họ đã tin cậy và gửi gắm tiền bạc của mình. Một tổ chức tín dụng khi đã mất lòng tin của khách hàng, của nhân dân, thử hỏi, có thể tồn tại được không???
Để kết thúc bài phát biểu, chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng tin tưởng vào sự công minh của Hội đồng xét xử khi phán xét về trách nhiệm dân sự của Vietinbank trong vụ án này.
Trên đây là những ý kiến về mặt pháp lý của chúng tôi, kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, chấp thuận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty SBBS.Trân trọng kính chào !
CÁC LUẬT SƯ KÝ TÊN
NGUYỄN MINH TÂM - NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG


1 comment:

  1. Kho tàng pháp luật Việt Nam:
    - Hỏi đáp, hỗ trợ pháp luật trong và ngoài nước
    - Tra cứu văn bản pháp luật
    - Hướng dẫn thủ tục hành chính
    - Liên hệ để gửi yêu cầu
    Pháp luật trong tầm tay bạn

    Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp trong thời gian sớm nhất.
    Trân trọng./.

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!