This is an example of a HTML caption with a link.

Saturday, December 27, 2014

Nghị định số 119/2014/NĐ-CP

Tăng thời hiệu giải quyết khiếu nại cho người lao động

Theo đó, thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày (trước đây là 90 ngày), kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại.
Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì trở ngại khách quan thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thêm nhiều quyền khiếu nại cho người lao động

Nghị định 119/2014/NĐ-CP cũng mở rộng thêm quyền cho người khiếu nại về lao động. Cụ thể, người khiếu nại được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại.
Được đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩu cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại.
Người khiếu nại có quyền rút khiếu nại ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người giải quyết khiếu nại.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin rút khiếu nại của người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại ra quyết định về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại và gửi cho người rút khiếu nại.

Những trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết

Những khiếu nại không được thụ lý giải quyết theo Nghị định 119 gồm: Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp; người đại diện không hợp pháp; đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 Nghị định này đã hết mà không có lý do theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định này
Ngoài ra, các trường hợp khiếu nại không được thụ lý giải quyết còn có trường hợp: Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.

Đặc biệt, Nghị định 119 đã điều chỉnh thủ tục thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu trong đó quy định thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại về lao động là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại (quy định hiện hành là 10 ngày làm việc). Tuy nhiên, thời hạn giải quyết khiếu nại vẫn được giữ nguyên là 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, với những vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày.

Nghị định 119/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2015, quý độc giả có thể tải Nghị định tại đây.
(theo plo.vn)

0 Nhận xét:

Post a Comment

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!