This is an example of a HTML caption with a link.
Showing posts with label Hồ sơ hành chính số 08 - bảo vệ người khởi kiện. Show all posts
Showing posts with label Hồ sơ hành chính số 08 - bảo vệ người khởi kiện. Show all posts

Monday, April 22, 2013

Hồ sơ hành chính 05


BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN
 HỒ SƠ HÀNH CHÍNH 05
VỤ ÁN: Khởi kiện quyết định xử phạt hành chính giữa bà Nguyễn Thị Kiều Hoa và chủ tịch UBND thị xã Phú Lương.
Người khởi kiện: bà Nguyễn Thị Kiều Hoa,       sinh năm: 1962
Địa chỉ: 590B, khu phố 7, phường Quan Hoa, thị xã Phú Lương.
Người bị kiện: Chủ tịch UBND thị xã Phú Lương.
Người có quyền lợi liên quan: Trưởng công an thị xã Phú Lương.
Đối tượng khởi kiện: Quyết định số 02/QĐ-XPHC ngày 11/01/2012 của chủ tịch UBND thị xã Phú Lương.
I.      TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Chị Nguyễn Thị Kiều Hoa sinh năm 1962 là chủ của cơ sở kinh doanh cà phê và karaoke Hướng Dương tại địa chỉ số 590B, Khu phố 7, phường Quan Hoa, thị xã Phú Lương.
Vào lúc 01h 15 phút ngày 12/12/2011 công an phường Quan Hoa kiểm tra hành chính và lập biên bản kiểm tra hành chính về hành vi hoạt động quá giờ quy định của quán karaoke Hướng Dương và tạm giữ một đầu máy CAVS của bà Hoa, hẹn bà Hoa 7h30 phút ngày 13/12/2011 có mặt tại công an phường Quan Hoa để giải quyết. Trước đó ngày 24/11/2011 công an phường Quan Hoa đã lập biên bản về hành vi vi phạm của quán Hướng Dương về hành vi hoạt động quá giờ quy định nhưng chưa có quyết định xử phạt.
Ngày 13/12/2011 bà Hoa đến công an phường Quan Hoa để giải quyết thì bà nhận được cùng lúc 2 biên bản vi phạm ngày 24/11/2011 và ngày 13/12/2011.
Ngày 16/12/2011 Công an thị xã Phú Lương ra quyết định số 12/QĐ-XPHC xử phạt bà Nguyễn Thị Kiều Hoa 5.000.000 đồng, với tình tiết tăng nặng là “tái phạm lần hai”. Cùng ngày công an phường Quan Hoa đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho bà Hoa. Ngay sau đó ngày 17/12/2011 Bà Hoa đã đóng số tiền phạt (5.000.000 đồng) tại kho bạc nhà nước và đã giao nộp biên lai cho phó trưởng công an phường Quan Hoa là đại úy Võ Văn Thành nhưng bà Hoa không được nhận lại đầu máy đã bị tịch thu vào ngày 13/12/2011.
Ngày 15 tháng 12 năm 2011 công an phường Quan Hoa lập biên bản vi phạm hành chính số 26/BB-VPHC về việc bà Hoa sử dụng lao động những không ký kết hợp đồng lao động gồm 3 tiếp viên nữ, hoạt động karaoke có tính chất khiêu gợi tình dục
Ngày 11/01/2012  ông phó chủ tịch UBND huyện Phú Lương – Nguyễn Minh Huyền đã ra quyết định số 02/QĐ-XPHC để xử phạt bà Hoa tổng số tiền 7.000.000 đồng với lý do bà Hoa có 02 hành vi vi phạm:
1.     Sử dụng tiếp viên làm tại nhà hàng karaoke mà không có hợp đồng lao động theo quy định – phạt 2.000.000 đồng
2.     Hoạt động karaoke quá giờ cho phép – phạt 5.000.000 đồng
Ngày 6 tháng 02 năm 2012 bà Hoa đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân Thị xã Phú Lương yêu cầu hủy quyết định số 02/QĐ-XPHC ngày 11/1/2012 và yêu cầu trả lại một đầu máy CAVS. Ngày 25 tháng 02 năm 2012 Tòa án nhân thị xã Phú Lương đã ra quyết định số 01/QĐ để thụ ký vụ kiện hành chính.
II.   VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ÁP DỤNG
-         Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa
-         Thông tư số 09/2010/TT-BVHTTDL ban hành ngày 24 tháng 08 năm 2010 quy định chi tiết thi hành những nội dung sau đây của Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá.
-         Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002  ban hành ngày 02 tháng 07 năm 2002 ( đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008)
-         Nghị định 128/2008/NĐ-CP  quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008.
-         Luật tố tụng hành chính  số 64/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010.
-         Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số Điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của chính phủ.
III.                       CÂU HỎI DỰ KIẾN TẠI PHIÊN TÒA:
1.     HỎI NGƯỜI BỊ KIỆN
-         Ông cho biết ông căn cứ vào đâu để ra quyết định số 02/QĐ-XPHC ngày 11/02/2012 để xử phạt bà Nguyễn Thị Kiều Hoa?
-         Trước khi ra quyết định xử phạt số 02/QĐ-XPHC ngày 11/02/2012 thì ông có biết trước đó công an Phú Lương đã ra quyết định số 12 ngày 16/12/2011 để xử phạt bà Nguyễn THị Kiều Hoa về hành vi hoạt động kinh doanh quá giờ quy định không?
-         Theo ông hành vi vi phạm của bà Hoa có phải là hành vi vi phạm có tính chất phức tạp không?
-         Theo ông biên bản kiểm tra hành chính không có số thì có giá trị pháp lý hay không? Biên bản kiểm tra hành chính có phải là biên bản xử phạt hành chính hay không?
-         Ông nhận được các biên bản vi phạm hành chính do công an Phường Quan Hoa lập vào thời điểm nào?
-         Xin ông cho biết, hợp đồng lao động có thời hạn bao lâu thì phải ký kết bằng văn bản?
-         Ông cho biết tại sao trong Quyết định số 02/QĐ-XPHC ông lại áp dụng mức tiền phạt cao nhất trong khung phạt được quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 75/2010/NĐ-CP?
-         Xin ông cho biết ông Nguyễn Minh Huyền có thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này không? Xin ông cho biết nội dung của văn bản ủy quyền đó?
2.     HỎI NGƯỜI CÓ QUYỀN NGHĨA VỤ LIÊN QUAN
-         Xin ông cho biết ông căn cứ vào đâu để ra quyết định xử phạt số 12 vào ngày 16 tháng 12 năm 2011?
-         Trong quyết định xử phạt ông có áp dụng tình tiết tăng nặng đối với hành vi  vi phạm của bà Hoa là “tái phạm lần 2”, vậy xin ông cho biết hành vi vi phạm lần đầu của bà Hoa là hành vi gì? Xảy ra vào thời điểm nào? Đã bị cơ quan nào ra quyết định xử phạt?
-         Ông có nhận được báo cáo về hành vi vi phạm ngày 24/11/2011 của bà Nguyễn Thị Kiều Hoa không?
-         Tại sao sau khi chị Hoa thực hiện xong quyết định xử phạt số 12 vào ngày 17/12/2011, ông lại không trả lại đầu máy đã tạm giữ của chị Hoa theo quy định của pháp luật?
-         Ông đã ra quyết định xử phạt số 12/QĐ-XPHC vào ngày 16 tháng 12 năm 2011, vậy lí do gì ông lại đề xuất UBND thị xã Phú Lương tiếp tục xử phạt?
3.     HỎI NGƯỜI KHỞI KIỆN:
-         Cơ sở kinh doanh của chị có đăng ký kinh doanh không?
-         Cơ sở của chị sử dụng bao nhiêu nhân viên? Gồm những ai? Những người đó đã làm việc tại quán chị bao lâu? Hai bên có thỏa thuận về việc ký kết hợp đồng lao động không? Thời hạn hợp đồng lao động là bao lâu?
-         Tại thời điểm bị xử phạt quán karaoke của chị có tất cả bao nhiêu phòng ? bao nhiêu đầu máy?
-         Sau khi bị lập biên bản vào ngày 13/12/2011 thì quán Karaoke của chị có hoạt động không?
-         Tại sao chị lại ký tên vào biên bản được lập ngày 15 tháng 12 năm 2011?
-         Từ ngày 24 tháng 11 năm 2011 đến ngày 05 tháng 12 năm 2011 chị có nhận được quyết định xử phạt nào của cơ quan có thẩm quyền không?
IV.           BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ NGƯỜI KHỞI KIỆN BÀ NGUYỄN THỊ KIỀU HOA.
Kính thưa Hội đồng xét xử, kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát, kính thưa toàn thể quý vị có mặt tại phiên Tòa ngày hôm nay!
Tôi là luật sư Nguyễn Quyết Quyền đến từ văn phòng luật sư QQlawyer, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, tham gia phiên tòa ngày hôm nay với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện bà Nguyễn Thị Kiều Hoa , trong vụ án khởi kiện quyết định hành chính giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Kiều Hoa và người bị kiện là ông Chủ tịch UBND thị xã Phú Lương.
Kính thưa Hội đồng xét xử, sau khi nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và thông qua kết quả hỏi công khai tại phiên Tòa ngày hôm nay tôi xin khẳng định yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa là có cơ sở và căn cứ pháp lý bởi các lẽ sau;
Về trình tự ban hành quyết định: Căn cứ để ra quyết định số 02/QĐ-XPHC của ông phó chủ tịch UND thị xã Phú Lương ( sau đây gọi tắt là quyết định số 02) là căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính không số, biên bản số 23, số 26 do công an Phường quan Hoa lập các ngày 12, 13, 15 tháng 12 năm 2011 nhưng đến ngày 11/1/2012 mới ra quyết định xử phạt, như vậy thời từ thời điểm lập biên bản đến thời điểm ra quyết định xử phạt là 27 ngày, điều này đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 1 Điều 56 quy định : “Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá ba mươi ngày. Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt”. Theo như nội dung vi phạm của bà Hoa và lời khai của người đại diện của người đại diện của ông chủ tịch UBND Phú Lương tại phiên Tòa ngày hôm nay, thì rõ ràng hành vi vi phạm của bà Hoa không thuộc vào những hành vi vi phạm có tính tiết phức tạp, vì thế đối chiếu với quy định trên tôi nhận thấy quyết định số 02 đã ban hành quá thời hạn quy định cho phép theo quy định.
Về mặt nội dung: Căn cứ để ra quyết định số 02 là căn cứ vào biên bản kiểm tra hành chính không số, biên bản xử phạt hành chính số 23, số 26 do công an Phường quan Hoa lập các ngày 12, 13, 15 tháng 12 năm 2011 theo tôi đây là những biên bản không hợp pháp.
-         Trước hết là biên bản không số:  Thưa Hội đồng xét xử một biên bản kiểm tra hành chính nhưng lại không có số, điều này là không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hành chính trong quá trình kiểm tra hành chính, đồng thời khi kiểm tra hành chính, công an phường Quan Hoa phát hiện ra hành vi vi phạm của bà Hoa nhưng công cơ quan này lại không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ lập biên bản kiểm tra hành chính, sau đó đến 10h ngày 13 tháng 12 năm 2011 mới lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính là không đúng theo quy định tại Điều 55 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và quy định tại khoản 1 Điều 22 nghị định số 128/2008/NĐ-CP. Điều 55 của pháp luật quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Trong trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản đó phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.” Đồng thời biên bản số 23 lại không có chữ ký của người có thẩm quyền xử phạt, điều này là vi phạm nghiêm trọng trong trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.
-         Biên bản số 26 ngày 15/12/2011 : biên bản này cũng là một biên bản không hợp pháp bởi lẽ biên bản này thiếu chữ ký của người có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời biên bản được lập vào ngày 15/12/2011, tại thời điểm này thì quán karaoke của chị Hoa không hoạt động, vậy thì trên cơ sở nào để công an Phường Tam Quan lập biên bản? Rõ ràng biên bản này được lập sau thời điểm quán karaoke của chị Hoa đã tạm ngưng hoạt động, cơ quan có thẩm quyền không kiểm tra hành chính nhưng lại lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn trái với quy định  trong quá trình xử phạt hành chính.
Như vậy, ông chủ tịch UBND thị xã Phú Lương đã ra một quyết định xử phạt hành chính dựa trên những biên bản vi phạm hành chính không hợp pháp.
-         Về hành vi vi phạm: Tôi cho rằng việc xử phạt bà Hoa về hành vi “sử dụng tiếp viên làm việc tại nhà hàng Karaoke nà không có hợp đồng lao động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP” là không có cơ sở bởi lẻ:
Tại thời điểm vi phạm cơ sở karaoke Hướng Dương có sử dụng 03 nhân viên gồm:  Nguyễn Thị Kim Dung, Lê Thị Anh Thư, và Phan Thị Ngọc Diệp. Trong số đó chỉ có Dung là người làm theo hợp đồng lao động và có hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật về lao động, còn số những người kia mới vào làm chỉ là đang trong quá trình thử việc. Mà pháp luật về lao động không hề có quy định bắt buộc phải ký kết hợp đồng thử việc bằng văn bản, đồng thời theo quy định tại điểm b tiểu mục 1, phần 1 Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số quy định của nghị định số 44/2003 về hợp đồng lao động thì cho phép những trường hợp ký kết hợp đồng lao động lao động dưới 3 tháng thì có thể xác lập hợp hợp đồng lao đồng lao động bằng miệng. Điều luật quy định cụ thể như sau: “ b) Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng hoặc hợp đồng lao động để giúp việc gia đình hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động miệng, nhưng phải bảo đảm nội dung theo qui định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ Luật Lao động”. Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên thì bà Hoa không vi phạm việc sử dụng lao động về việc ký kết hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
-         Về việc áp dụng mức xử phạt
Quyết định số 02 đã xử phạt bà Hoa với mức phạt là 5.000.000 đồng với hành vi vi phạm được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 22 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP đây là mức cao nhất của khung phạt, tuy nhiên quyết định lại không nêu ra được tình tiết tăng nặng đối với bà Hoa, điều này là vi phạm nguyên tắc xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều 57 Pháp lệnh, cụ thể: “2. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.” và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ phải được thể hiện rõ ở trong quyết định.
          Về thẩm quyền xử phạt
Quyết định số 02 do ông Nguyễn Minh Huyền, phó chủ tịch UBND thị xã Phú Lương ký ban hành dựa trên sự ủy quyền của ông chủ tịch thông qua Thông báo số 14/TBB-UB ngày 05 tháng 8 năm 2011, theo tôi ông phó chủ tịch đã dựa vào thông báo này để ra quyết định xử phạt số 02 là hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luât:
Nội dung thông báo ủy quyền này lại không quy định về thời hạn ủy quyền, điều này là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 128/2008/NĐ-CP. Khoản 1 Điều 16 quy định : “1. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính do các chức danh quy định tại Điều 41 và Điều 45 của Pháp lệnh chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải được xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.” Đồng thời việc ủy quyền phải được lập bằng văn bản ủy quyền do chính ông chủ tịch ký, chứ không thể ủy quyền bằng một bản thông báo do chánh văn phòng ký ban hành được.
          Về nguyên tắc xử phạt: Việc ông phó chủ tịch ban hành quyết định xử phạt số 02 là vi phạm nguyên tắc : “ một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” được quy định tại Điều 3 của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và được quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định 128/2008/NĐ-CP bởi lẽ:
Vào ngày 24 tháng 11 năm 2011 công an phường Quan Hoa đã tiến hành lập biên bản số 14 về hành vi vi phạm của bà Hoa là : “hoạt động quá giờ theo quy định” và ngày 16 tháng 12 năm 2011 ông Trưởng công an thị xã Phú Lương là trung tá Phạm Văn Đông đã ra quyết định số 12/QĐ-XPHC xử phạt bà Hoa số tiền 5.000.000 đồng, với tình tiết tăng nặng “tài phạm lần hai”, như vậy rõ ràng trong quyết định số 12 ông trưởng công an thị xã đã  xử phạt hành vi vi phạm của bà Hoa vào ngày 12/12/2011, ấy vậy mà ông phó chủ tịch  UBND thị xã Phú Lương lại tiếp tục ra quyết định số 02/QĐ-XPHC để tiếp tục xử phạt hành vi vi phạm của bà Hoa. Trong khi đó Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP quy định : “Một hành vi vi phạm đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó nữa. Trong trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh
Từ những phân tích nêu trên, tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào: Điều 3, Điều 55, 56, 57 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 ( sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008), Điều 3, Điều 16, Điều 22 Nghị định 128/2008/NĐ-CP, điểm b, tiểu mục 1, phần I, thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Kiều Hoa:
1.     Hủy quyết định số 02/QĐ-XPHC ngày 11/01/2012 của chủ tịch UBND thị xã Phú Lương.
2.     Yêu cầu trả lại cho bà Hoa đầu máy CAVS đã tịch thu.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự lắng nghe của Hội đồng xét xử và mọi người dự khán tại phiên Tòa ngày hôm nay.

Hồ sơ hành chính số 08 - bảo vệ người khởi kiện bà Hồ Thị Ngoan.


BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN
HỒ SƠ HÀNH CHÍNH SỐ  08

I.      TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ KIỆN:

1.  Đối tượng khởi kiện

Quyết định số 643/QĐ–UB ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Chủ Tịch Uỷ ban nhân dân huyện Bình Chánh, thành phố H về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở  cho ông Hồ Tấn Lực tại ấp 5, xã Phạm Văn Hai.  

2. Tư cách đương sự:

Người khởi kiện: bà Hồ Thị Ngoan, sinh năm 1959.
Địa chỉ thường trú:         89 ấp 1, thị trấn Mỏ Cày, tỉnh B.
Người được ủy quyền: bà Hồ Thị Kim Thanh sinh năm 1956.

Người bị kiện: Uỷ ban nhân dân huyện Bình Chánh.
Người được ủy quyền: Ông Phùng quốc Việt, cán bộ thanh tra huyện Bình Chánh, thành phố H.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Hồ Tấn Lực, sinh năm 1975,
Địa chỉ thương trú:         5B31, ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, thành phố H.

3.  Nội dung sự việc:
Ông Hồ Văn Bê sinh ngày 14/08/1920 và Lê Thị Khuê sinh năm 1919, cùng trú tại ấp 1, thị trấn Mỏ Cày, tỉnh B là vợ chồng từ trước năm 1945, có tất cả 09 người con gồm:
1.     Hồ Văn Ngộ sinh năm 1941,
2.     Hồ Thị Lệ sinh năm 1943
3.     Hồ Thị Tý sinh năm 1945
4.     Hồ Thị Dậu sinh năm 1948
5.     Hồ Văn Bánh sinh năm 1952
6.     Hồ Thị Hoàng sinh năm 1954
7.     Hồ Thị Kim Thanh sinh năm 1956
8.     Hồ Thị Ngoan sinh măm 1969
9.     Hồ Thị Kim Xuân sinh năm 1963
Năm 1981 ông Bê, bà Khuê đi kinh tế mới tại nông trường quốc doanh An Hạ, thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố H, theo lời trình bày của bà Hồ Thị Ngoan thì lúc đó Nông trường An Hạ có cấp cho ông Bê và bà Thanh ( cha mẹ của bà Ngoan) một lô đất 600m2 trên tỉnh lộ, nay là số nhà 5B31 Ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, khi được cấp đất thì ông Bê, bà Khuê đã tiến hành xây dựng nhà và đăng ký hộ khẩu tại đó.
Năm 1986 ông Bê bị tai nạn trên đường về quê đã chết (06/02/1986) và bà Khuê bị thương nặng nên bà Ngoan đã đưa mẹ về quê chạy chữa thuốc men, trong thời gian đó do buồn chuyện gia đình ông Hồ Văn Ngộ có lên nhà của bà Khuê, trong hoàn cảnh đó bà Khuê đã nhờ ông Ngộ ở căn nhà đó để trông coi. Đến năm 1989 khi Nhà nước có chủ trương kê khai đăng ký nhà đất, ông Ngộ có về quê nói cho bà Khuê biết, bà Khuê đã yêu cầu anh Ngộ làm lại hồ sơ để chuyển tên căn nhà sang cho bà, bởi lúc đó ông Bê là người đứng tên trên giấy tờ nhà đất nhưng ông Bê đã chết.
Tuy nhiên, ông Ngộ không làm theo lời của bà Khuê mà sau đó đã tiến hành xin đăng ký kê khai cho ông Ngộ và được nông trường quốc doanh An Hạ cấp giấy chứng số 94/CN ngày 1/7/1989, ông Ngộ đã sử dụng ổn định mảnh đất đó từ năm 1989, cho đến năm 2002 thì bà Ngoan và bà Khuê mới phát hiện được điều đó nên đã bàn bạc thỏa thuận với ông Ngộ đề nghị ông Ngộ trả lại phần diện tích đó cho bà Khuê. Tuy nhiên vào tháng 04/2003 ông Ngộ bị bệnh nên đã qua đời.
Ngày 15/5/2003 gia đình bà Khuê có làm đơn khiếu nại gửi đến ấp 5, tuy nhiên sự việc không được giải quyết. Ngày 01/08/2003 bà Khuê có làm tờ di chúc và tờ ủy quyền với nội dung : giao căn nhà và đất thổ cư tại xã Phạm Văn Hai cho con gái là bà Hồ Thị Ngoan toàn quyền sử dụng. Từ tháng 02/2006 đến 14/6/2006  bà Ngoan nhiều lần có đơn gửi cho ấp nhưng ấp không giải quyết, đến ngày 15/06/2006 bà Ngoan nộp đơn tại UBND xã Phạm Văn Hai yêu cầu giải quyết , đến 15h cùng ngày UBND đã có có buổi làm việc, tại buổi làm việc thì bà Ngoan được biết phần diện tích nhà và đât đang tranh chấp đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Tấn Lực ( con của ông Ngộ), theo quyết định số 643/QĐ-UB, ngày 19 tháng 5 năm 2006. Nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm bà Hồ Thị Ngoan đã có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Bình Chánh vào ngày 28 tháng 07 năm 2006. Ngày 21 tháng 02 năm 2007 chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 638/QĐ-UB để giải quyết đơn khiếu nại của bà Ngoan, theo đó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Ngoan vì cho rằng việc cấp giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Tấn Lực là đúng theo quy định của pháp luật.
Nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm ngày 05/03/2007 bà Hồ Thị Ngoan đã có đơn khởi kiện UBND huyện Binch Chánh,  tại Tòa án nhân huyện Bình Chánh yêu cầu UBND huyện Bình Chánh hủy bỏ quyết định 643/QĐ-UB ngày 19 tháng 05 năm 2006 và Quyết định số 638/QĐ-UB ngày 21/02/2007 của chủ tịch UBND huyện Bình Chánh và hủy  Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 643/2006 đã cấp cho Hồ Tấn Lực vào ngày 19 tháng 05 năm 2006.
II. DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC ÁP DỤNG:
- Bộ luật dân sự 2005;
- Luật đất đai năm 2003;
- Nghị định 181/2004/NĐ–CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật Đất đai năm 2003;
- Nghị định 84/2007/NĐ-CP 25/5/2007
- Pháp lệnh thủ tục giải giải quyết các vụ án hành chính 1996, sửa đổi bổ sung 1998  và năm 2006;
- Nghị quyết 04/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 hướng dẫn Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính;
- Luật Kiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005;
- Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đởi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.

III CÂU HỎI DỰ KIẾN TẠI PHIÊN TÒA:

1.     Hỏi người bị kiện: UBND huyện Bình Chánh

-         Xin ông cho biết căn cứ nào để ông phó chủ tịch UBND Bình Chánh ra quyết định 643/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng dất ở cho ông Hồ  Tấn Lực?
-         Ông cho biết thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật trong trường hợp này thuộc về ai?
-         Ông cho biết khi cấp giấy chứng nhận cho ông Ngộ thì UB đã tiến hành niêm yết trong thời gian bao lâu? Cụ thể là từ thời điểm nào đến thời điểm nào?
-         Khi tiến hành cấp giấy thì ông có xác nhận tình trạng phần diện tích đất đó không?
-         Khi đọc bản tường trình quan hệ nhân thân của ông Hồ Tấn Lực thì ông có nhận thấy thiếu vợ của ông Hồ Văn Ngộ và cha mẹ của ông Ngộ hay không?


2.     Hỏi ông Hồ Tấn Lực - người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

-         Ông cho biết nguồn gốc phần diện tích đất mà ông được cấp giấy chứng nhận? Trước khi được cấp cho ông Ngộ thì phần diện tích đất đó là của ai?
-         Xin ông cho biết ông Hồ Văn Ngộ có tất cả bao nhiêu người con?
-         Khi chết ông Ngộ có để lại di chúc hay không?
-         Bà Nguyễn Thị Nhật và ông Hồ Văn Ngộ có đăng ký kết hôn không? Họ chung sống với nhau từ thời gian nào?
-         Tại sao tại thời điểm ông Ngộ chết, bà Khuê vẫn còn sống, vợ ông Ngộ vẫn còn sống, nhưng khi làm tờ trường trinh quan hệ nhân thân thì ông lại không ghi tên hai người này vào?
-         Ông cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2003 thì phía bà Ngoan có tranh chấp phần đất đó với cha ông là ông Hồ Văn Ngộ có đúng không?
-         Sau khi cha ông mất thì bà Ngoan tiếp tục tranh chấp phần diện tích đất đó với ông và các anh em của ông đúng không?
-         Vậy tại sao đất đang tranh chấp mà ông vẫn tiến hành việc khai nhận di sản thừa kế được?

3.     Hỏi người khởi kiện bà Hồ Thị Ngoan.

-         Xin bà cho biết là phần diện tích đang tranh chấp có nguồn gốc như thế nào?
-         Sau khi bà về Bến Tre thì bà có thường xuyên thăm nom mảnh đất đó hay không?
-         Trước khi mẹ bà qua đời đã có tâm nguyện thế nào đối với phần diện tích đất đó?
-         Khi phát hiện phần diện tích đó được cấp cho ông Ngộ thì gia đình bà đã thương lượng với nhau thế nào? Nguyên nhân nào làm cho việc thương lượng đó không thành?
-         Khi ông Ngộ chết đi thì bà có làm đơn khiếu nại đến phường không? Xung quanh khu vực đó có ai biết phần diện tích đất đó đang tranh chấp không?



IV. BẢN LUẬN CỨ BẢO VỆ BÀ HỒ THỊ NGOAN:

Kính thưa Hội đồng xét xử ;
Thưa Đại diện Viện Kiểm sát;
Tôi là Luật sư Nguyễn Quyết Quyền thuộc Văn phòng Luật sư QQlawyer - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tham gia phiên tòa ngày hôm nay với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho bà Hồ Thị Ngoan trong vụ kiện Quyết định số 643/QĐ–UB ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân huyện Bình Chánh, thành phố H cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở  cho ông Hồ Tấn Lực.
Qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập các chứng cứ có liên quan và đặc biệc là qua buổi thẩm vấn công khai tại phiên toà hôm nay, tôi xin khẳng định yêu cầu khởi kiện của thân chủ tôi – bà Nguyễn Thị Ngoan là có căn cứ và cơ sở pháp lý bởi các lý do sau:
          Về thẩm quyền: Quyết định số 643/QĐ-UB ngày 19/5/2006 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho ông Hồ Tấn Lực là sai thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 52 Luật đất đai 2003 thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân thuộc về UBND cấp huyện, cụ thể trong trường hợp này thì thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lực thuộc về UBND huyện Bình Chánh, thế nhưng Quyết định 643/QĐ-UB lại do ông phó chủ tịch ký thay cho ông Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh như vậy rõ ràng thẩm quyền ban hành quyết định này là trái với quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 52 quy định: “Điu 52. Thẩm quyn cp giy chng nhn quyn s dng đất
2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.”
          Về đối tượng được cấp giấy: Quyết định 643/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận cho ông Hồ Tấn Lực là đại diện cho những người thừa kế của ông Hồ Văn Ngộ là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật bởi lẽ:
Ông Ngộ chết năm 2003 nhưng không để lại di chúc như vậy căn cứ vào khoản 1 Điều 679 Bộ luật Dân sự 1995 – tương ứng với khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì hàng thừa kế thứ 1 của ông Ngộ gồm có:  6 người con của ông Ngộ, bà Nguyễn Thị Nhật – là vợ của ông Ngộ, bà Lê Thị Khuê – là mẹ của ông Ngộ, ấy vậy mà quá trình cấp giấy cho ông Hồ Tấn Lực thì chỉ có sự đồng ý của 4 người con ông Ngộ, còn thiếu ý kiến của 02 người con, bà Nhật và Bà Khuê. Điều nay đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được hưởng thừa kế của Bà Nhật, bà Khuê và 2 người con của ông Ngộ. Đồng thời vi phạm nghiêm trọng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Về quy trình cấp giấy: Quy trình cấp giấy cho Hồ Văn Ngộ đã vi phạm nghiêm trọng hai quy định:
Thứ nhất, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận phần diện tích đất đang tranh chấp nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận điều nay là vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 135 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của chính phủ. Điểm a khoản 2 Điều 135 quy định:
2. Việc cp giy chng nhn quyn s dng đất được quy định như sau:
a) ủy ban nhân dân xã, thị trấn có trách nhiệm thẩm tra, xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất; trường hợp người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; công bố công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, thị trấn trong thời gian mười lăm (15) ngày; xem xét các ý kiến đóng góp đối với các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường;”
Thứ hai, thời gian niêm yết công bố công khai danh sách tại UBND xã theo quy định trên là 15 ngày, tuy nhiên tại thông báo số 177/TB-UB của UBND xã Phạm Văn Hai thì trường hợp cấp giấy cho ông Hồ Tấn Lực chỉ được niêm yết công khai 7 ngày.
          Từ những phân tích nêu trên tôi xin khẳng định việc ban hành quyết định số 643/QĐ-UB ngày 19 tháng 5 năm 2006 của ông phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Vì vậy tôi kính mong Hội đồng xét xử căn cứ vào : khoản 2 Điều 52 luật Đất đai 2003, điểm a, khoản 1, Điều 135 Nghị định số 181/NĐ-CP, điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS 2005, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hồ Thị Ngoan, tuyên hủy toàn bộ nội dung Quyết định số 643/QĐ-UB ngày 19 tháng 05 năm 2006 và tiến hành thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 70139272454 cấp cho ông Hồ Tấn Lực ngày 19 tháng 05 năm 2006.
          Tôi xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của Hội đồng xét xử và quý vị có mặt tại phiên Tòa ngày hôm nay.

Hồ sơ lao động 02 - Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải.



BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN
HỒ SƠ LAO ĐỘNG 02
TRANH CHẤP VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO
 HÌNH THỨC SA THẢI

I.                 I.TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn: Ông  Trần Ngọc Thắng sinh năm 1957
Địa chỉ: 25A Yên Thế, Phường 2, , quận Tân Bình TP.Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam
Địa chỉ: 124/1 Bạch Đằng phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.(trụ sở chính : Sân bay Gia Lâm – TP Hà Nội)
Quan hệ pháp luật  tranh chấp: về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải
Nội dung sự việc:
-         Ngày 01/7/2004 ông Trần Ngọc Thắng và công ty Hàng không Việt Nam có ký kết với nhau một hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc mà ông Thắng phải làm là theo dõi công tác dự án kho cảng dầu nguồn – Nhà Bè – TP. HCM  và các công việc cụ thể do VPĐD giao. Địa điểm làm việc tại VPĐD tại TP Hồ Chí Minh.
-         Trong quá trình làm việc ngày 19 tháng 3 năm 2006 ông Thắng làm đơn xin công ty nghỉ ½  phép năm  2006  và đã được nghỉ từ ngày 26/03/2006 đến 06 tháng 04 năm 2006.(12 ngày làm việc)
-         Ngày 26 tháng 4 năm 2006 ông Thắng lại tiếp tục xin nghỉ phép năm với lý do “ thăm cha mẹ vợ”  còn lại nhưng không được công ty đồng ý.
-         Ngày 15 tháng 5 năm 2006 tập thể cán bộ - công nhân viên của văn phòng đại diện đã lập biên bản về việc ông Trần Ngọc Thắng tự ý bỏ việc không đến cơ quan.
-         Ngày 17 tháng 5/2006 ông Thắng có đơn xin nghỉ không lương với lí do chăm sóc mẹ vợ ốm và mẹ đẻ bị bệnh ung thư tái phát nhưng vẫn không được công ty đồng ý.
-         Ngày 21 tháng 5 năm 2006 Chánh văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh đã gửi thông báo triệu tập ông Thắng phải có mặt tại Văn phòng đại diện công ty để thực hiện nhiệm vụ lao động nhưng ông Thắng vẫn không đến.
-         Ngày 4/6/2006 mẹ đẻ ông Thắng mất, ông Thắng làm đơn xin vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào Hồ Chí Minh( sau đó về Bình Thuận), công ty đã cho ông Thắng ứng tiền mua vé và cho phép ông thắng về lo tang cho mẹ trong 4 ngày 4,5,6,7 tháng 6 năm 2006. Tuy nhiên sau khi lo tang xong cho mẹ thì ông Thắng không trở lại làm việc mà trở lại ra Bắc để chăm sóc cha mẹ vợ.
-         Ngày 4 tháng 6 năm 2006 giám đốc Trần Minh đã Ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng Kim chủ trì, kết hợp với BCH công đoàn cơ sở công ty tại TP Hồ Chí Minh để tiến hành lập biên bản xử  lý kỷ luật đối với ông Thắng.
-         Ngày 4/7/2006 VPDĐ có giấy mời ông Thắng vào lúc 8h ngày 11/7/2006 có mặt tại văn phòng để lập biên bản về việc tự ý bỏ việc nhưng ông Thắng không đến, ngày 11/7/2006 tập thể CB-CNV VPĐD đã lập biên bản về sự vắng mặt của ông Thắng.
-         Ngày 12 tháng 07 năm 2006 VPĐD lại có thông báo số 39/VPĐĐ để triệu tập ông Thắng đúng 14h cùng ngày phải có mặt tại văn phòng đại diện công ty để lập biên bản về viêc tự ý bỏ việc, nhưng  ông  Thắng vẫn không có mặt.
-         Ngày 14 tháng 7 năm 2006 VPĐD tiếp tục có thông báo số 41/VPĐD đúng 08h ngày 16 tháng 7 năm 2006 có mặt tại VPĐD để lập biên bản về việc tự ý bỏ việc.
-         Ngày 16 tháng 7 năm 2006 ông Thắng vẫn không có mặt tại VPĐD nên ông Nguyễn Trọng Kim cùng ông Nguyễn Trí Tuệ ủy viên thường vụ BCHCĐ cơ sở công đoàn công ty xăng Dầu Hàng không tại TP Hồ CHí Minh, ông Nguyễn Trường Tộ - chánh văn phòng VPĐD, bà Trịnh Thị Lợi – chủ tịch công đoàn bộ phận VPĐD và ông Đặng Mai Lâm – Chuyên viên đã lập biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động với hình thức sa thải đối với ông Trần Ngọc Thắng.
-         Ngày 03 tháng 08 năm 2006 Giám đốc công ty Xăng Dầu Hàng không ra quyết định số 182/XDHK-TCCB  xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với ông Trần Ngọc Thắng với lý do “ tự ý bỏ việc từ ngày 07/5/2006 đến 20/7/2006 không được cấp có thẩm quyền cho phép”
-         Ngày 03 tháng 03 năm 2007 ông Thắng làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh yêu cầu Tòa án phải giải quyết các vấn đề sau:
-         1. Buộc công ty xăng dầu Hàng không hủy quyết định số 182/XDHK-TCCB ngày 03 tháng 8 năm 2006 về việc sa thải ông Thắng.
-         2. Công ty xăng dầu Hàng không phải nhận ông Thắng trở lại làm việc
-         3. Yêu cầu công ty xăng dầu Hàng không bồi thường toàn bộ số tiền trong khoảng thời gian ông Thắng không được làm việc tại công ty từ tháng 01/2006 trừ đi những khoản mà ông Thắng đã nhận.
II.               Những câu hỏi dự kiến tại phiên Tòa:
Hỏi nguyên đơn:
1)    Tại sao ông xin nghỉ nửa phép năm còn lại.
2)    Tại sao ông xin nghỉ không hưởng lương vào ngày 17 tháng 5 năm 2006.
3)    Ông cho biết tại sao ông xin nghỉ, công ty chưa cho nghỉ mà ông vẫn nghỉ?
4)    Ông cho biết ông có nhận được các thông báo của Công ty gửi cho ông đến họp tại công ty vào các ngày 11/7/2006, ngày 12/7/2006 và ngày 16/7/2006 không?
5)    Khi ông làm đơn xin nghỉ ông có để lại địa chỉ trong đơn không?
6)    Đó là địa chỉ nào?
7)     Trong các ngày 11, 12, 16/12 năm 2006 ông có nhận được điện thoại từ văn phòng đại diện của công ty hay không?

8)    Theo ông địa chỉ các thông báo gửi về cho ông tại số 13B Yên Thế, P. 2, Q. Tân Bình, TP HCM có đúng với địa chỉ ông đã yêu cầu liên lạc với ông không?
9)    Tại sao ông lại không có mặt tại buổi làm việc ngày 16 tháng 7 năm 2006?
              Hỏi đại diện bị đơn
1)Cty cho biết tại sao trước đây khi ông Thắng xin nghỉ không hưởng lương thì công ty không yêu cầu NLĐ phải ý kiến của VPĐD, nhưng lần này lại yêu cầu phải có ý kiến của VPĐD?
2)VPĐD hay GĐ công ty Xăng dầu Hàng Không VN là người quản lý ông Thắng?
3)Cty cho biết tại sao công ty không gửi GM ông Thắng về địa chỉ mà ông Thắng đã ghi trong các đơn xin phép?
4)Nhưng trong báo cáo ngày 21 tháng 5 năm 2006 ông Thắng có để lại địa chỉ khác so với địa chỉ trong hợp đồng, tại sao công ty lại không gửi theo địa chỉ đó?
5)Cty cho biết tại GM lần 2 ngày gửi là ngày 12/7/2006; trong khi ấn định họp là 14 giờ cùng ngày. Theo Công ty, liệu ông Thắng có thể đến dự họp được không ?
6)Theo công ty, việc NLĐ xin nghỉ việc tại DN để chăm sóc mẹ vợ có phải là chính đáng không?
7)Ông cho biết tại thời điểm xử lý kỷ luật ông Thắng, ông Minh đang ở đâu?
8)Sau khi sa thải ông Thắng, công ty có văn bản thông báo cho sở lao động thương binh xã hội thành phố Hà Nội biết không?

III.           Bản luận cứ bảo vệ cho nguyên đơn.
-                     Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị luật sư đồng nghiệp, thưa tất cả mọi người dự khán tại phiên Tòa ngày hôm nay.
-                     Tôi là luật sư Nguyễn Quyết Quyền, đến từ Văn phòng luật sư QQlawyer thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh,  là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Ngọc Thắng – nguyên đơn trong vụ án tranh chấp về việc xử lý kỷ luậtlao động theo hình thức sa thải.
-         Thưa Hội đồng xét xử, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như sau khi lắng nghe kết quả hỏi công khai tại phiên Tòa ngày hôm nay tôi xin khằng định việc công ty xăng dầu Hàng không áp dụng hình thức xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải đối với ông Trần Ngọc Thắng là hoàn toàn không có căn cứ và trái với các quy định của pháp luậtlao động hiện hành, bởi các lẻ sau:
-                     Về lý do sa thải: Lý do công ty xăng dầu Hàng không đưa ra để sa thải ông Thắng là căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 85 Bộ luật lao động : “người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc hai mươi ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng”. Việc công ty căn cứ vào điều khoản này để xử lý kỷ luật ông Thắng bằng hình thức sa thải là một việc làm hoàn toàn không khách quan và không đánh giá đúng nội tình sự việc. Thưa Hội đồng xét xử, tôi thừa nhận là ông Thắng đã nghỉ việc từ ngày 7/5/2006 đến 20/7/2006 nhưng đây không thể được xem là hành vi tự ý bỏ việc và đây là trường hợp người lao động nghỉ việc có lí do chính đáng. Bởi lẻ, từ ngày 7/5/2006 đến ngày 20/7/2006 là những ngày mà thân chủ tôi phải gồng mình lên để lo cho công viêc gia đình, hết chăm lo cho vợ bị ốm phải đi bệnh viện sau đó về điều trị tại nhà rồi đến lo  cho cha mẹ vợ bị bệnh ốm ngoài Bắc, rồi thì phải lo hậu sự cho người mẹ ruột bị bệnh ung thư ở Bình Thuận, một mình thân chủ tôi trong một khoảng thời gian ngắn như vậy nhưng phải lo gánh chịu không biết bao nhiêu trọng trách nặng nề, thân chủ tôi phải nghỉ việc để làm trọn đạo hiếu của người con, làm tròn nghĩa vụ của một người chồng. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Mục III thông tư 19 /2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số Điều của Nghị định số 41/CP ngày 6 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ thì lí do chính đáng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 85 là “Do thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở y tế được thành lập hợp pháp tiếp nhận khám và điều trị. Thân nhân bị ốm bao gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con”.
-                     Trong khoảng thời gian đó thân chủ tôi biết là mình không thể vừa lo việc gia đình vừa lo việc cho công ty nên thân chủ tôi đã làm đơn xin nghỉ phép năm ( vào ngày 26/4/2006), xin nghỉ không lương ngày 17/05/2006 ấy thế mà công ty lại cố tình làm khó cho thân chủ tôi, không cho thân chủ tôi thực những quyền của người lao động, công ty đã đưa ra những lí do hết sức vô lý để không chấp nhận đơn xin nghỉ của thân chủ tôi như: “ đang chờ đoàn thanh tra vào làm việc”, “đơn chưa có sự đông ý của văn phòng đại diện”, thưa Hội đồng xét xử, trước đây vào năm 2004 thân chủ tôi cũng đã từng xin nghỉ không lương, lúc đó thân chủ tôi chỉ cần có một lá đơn và nêu lí do là “có việc riêng” và nộp trực tiếp tại trụ sở công ty thì giám đốc công ty chấp nhận ngay mà không cần có sự đồng ý hay không đồng ý của VPĐD ấy vậy mà lần nay thân chủ tôi đang gặp khó khăn thực sự, công ty cũng biết rõ hoàn cảnh nhưng lại không chấp thuận đơn nghỉ không lương của thân chủ tôi, phải chăng bên trong còn có nội tình khác liên quan tới việc thân chủ tôi đi tố giác những việc làm sai trái của lãnh đạo công ty?
-                     Về trình tự thủ tục ra quyết định sa thải:
Thưa HĐXX , trình tự xử lý kỷ luật của công ty xăng dầu hàng không Việt Nam đối với thân chủ tôi là hoàn toàn trái pháp luật bởi lẻ quá trình xử lý kỷ luật không có sự tham gia của ông Thắng, không để cho ông Thắng bày tỏ lí do cũng như tự bào chữa cho mình, việc làm này là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật khi tiến hành việc kỷ luật bằng hình thức sa thải, cụ thể đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 87 Bộ luật Lao động, khoản 3 Điều 87 quy định “khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt đương sự và phải có sự có mặt của đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp” Điều này đã được cụ thể hóa tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 41/CP ngày 06 tháng 7 năm 1995. Điểu c khoản 1 quy định “Đương sự phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân, hoặc người khác bào chữa. Trong trường hợp đương sự là người dưới 15 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ, hoặc người đỡ đầu hợp pháp của đương sự. Nếu người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản mà đương sự vẫn vắng mặt thì người sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật và thông báo quyết định kỷ luật cho đương sự biết”.
Thưa HĐXX, trong quá trình giải quyết vụ án phía công ty đã đưa ra  03 thông báo để chứng minh cho việc công ty đã triệu tập ông Thắng, nhưng tôi xin khẳng định những thông báo mà công ty đưa chỉ là dùng để che đậy cho việc xử lý kỷ luật sai trái của mình:
1.     Thông báo ngày 4/7/2006, thông báo này được soạn thảo ngày 4/7/2006 ấy vậy mà giấy báo phát công ty cung cấp cho Tòa lại đề ngày gửi là ngày 2/7/2006, ngày phát là ngày 03/7/2006, tại phiên Tòa ngày hôm nay đại diện của công ty cũng không chứng minh được sự mâu thuẩn này? Hơn nữa, giấy báo phát đó là báo phát do chị Lan ký nhận chứ không phải là do anh Thắng ký nhận.
2.     Thông báo ngày 12/7/2006 lại càng vô lý hơn nữa là, công ty ra thông báo vào buổi sáng như đã bắt buộc ông Thắng có mặt vào lúc 14 giờ cùng ngày, thử hỏi công ty làm cách nào mà gửi thông báo này đến cho thân chủ tôi? Và liệu thân chủ tôi có thể từ ngoài Bắc để vào Hồ Chí Minh tham dự buổi làm việc này không?
3.     Thông báo ngày 16/7/2006 thì công ty lại gửi vào địa chỉ mà ông Thắng đã chuyển  đi từ trước đó mấy tháng, nên ông Thắng cũng không hề nhận được các thông báo này.
Như vậy rõ ràng là việc triệu tập ông Thắng của công ty là hoàn toàn không đảm bảo đúng quy định, điều đó chứng tỏ việc xử lý kỷ luật với hình thức sa thải của công ty là  hoàn toàn trái pháp luật về mặt trình tự thủ tục.
Về thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động:
Thưa HĐXX, trong quá trình xử lý kỷ luật ông Thắng công ty còn phạm phải một sai phạm nghiêm trọng nữa đó là về thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 33/2003/NĐ-CP sửa đổi Điều 10 Nghị định 41/1995 ngày 06 tháng 7 năm 1995 thì đối với trường hợp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải người sử dụng lao động phải trực tiếp tiến hành xử lý, người sử dụng lao động chỉ được ủy quyền trong trường hợp vắng mặt ấy vậy mà trong trường hợp này ông Trần Minh- giám đốc công ty có mặt tại công ty nhưng lại không tiến hành việc họp xử lý kỷ luật ông Thắng mà lại Ủy quyền cho ông Nguyễn Trọng Kim theo văn bản ủy quyền số 131/XDHK-TCCB. Điều này là hoàn toàn với quy định của pháp luật lao động khi tiến hành xử lý kỷ luậtlao động bằng hình thức sa thải.
Ngoài ra sau khi tiến hành sa thải ông Thắng, giám đốc công ty xăng dầu Hàng không không báo cho sở lao động thương binh xã hội Hà Nội biết, điều này là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 85 BLLĐ. Khoản 2 Điều 85 quy định “sau khi sa thải người lao động, người sử dụng lao động phải báo cho cơ quan lao động cấp tỉnh biết”.
Bởi các lý do nêu trên tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào: điểm c khoản 3 Mục III thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH, khoản 3 Điều 87 Bộ Luật Lao Động, Điều 11 nghị định 41/CP, khoản 5 Điều 1 Nghị định 33/2003/NĐ-CP,Điều 41 Bộ luậtlao động, Khoản 2 Điều 85 BLLĐ.
o        Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – ông Trần Ngọc Thắng buộc công ty xăng dầu hàng không phải hủy quyết định sa thải số 182/XDHK-TCCB ngày 03 tháng 8 năm 2006.
o        Buộc công ty xăng dầu Hàng không nhận ông Thắng trở lại làm việc
o        Bồi thường cho ông Trần Ngọc Thắng 02 tháng tiền lương và phụ cấp lương.
o        Bồi thường cho ông Thắng toàn bộ số tiền lương từ ngày 03 tháng 8 năm 2007 đến ngày 10 tháng 5 năm 2007.
QUYẾT QUYỀN