This is an example of a HTML caption with a link.

Friday, June 21, 2013

Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc

trợ cấp mất việc

CÙNG MỘT LÚC CÓ THỂ ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP VÀ TRỢ CẤP THÔI VIỆC ?

Ngày 18 tháng 06 năm 2012, tại phiên họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật lao động (BLLĐ), thay thế BLLĐ 1994 ( đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) bộ luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2013, theo đó sẽ thì có rất nhiều vấn đề được thay thế, bổ sung và quyền lợi của người lao động cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Tuy nhiên khi nghiên cứu một số quy định của BLLĐ 2012 thì tôi phát hiện một điểm mới có sự mâu thuẩn “ cùng một lúc người lao động có thể được nhận trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm”.

Theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012 về trợ cấp thôi việc thì: “1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”
Khoản 10 Điều 36 BLLĐ quy định về chấm dứt hợp đồng như sau: “10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”

Như vậy đối chiếu hai quy định trên chúng ta nhận thấy rằng người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc trong trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tiếp đó, khoản 1 Điều 49 BLLĐ 2012 quy định về đối tượng được trợ cấp mất việc làm như sau: “1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.”

Điều 44 và Điều 45 của bộ luật quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế và khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, đây là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đã được quy định tại khoản 10 Điều 36.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng người lao động thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 10 Điều 36 mà tôi đang đề cập ở trên vừa đủ điều kiện nhận trợ cấp thôi việc, vừa đủ điều kiện nhập trợ cấp mất việc làm.
Theo tôi đây là một lỗi kỹ thuật trong quá trình ban hành, nhà làm luật đã không tách đối tượng tại khoản 10 Điều 36 thành hai dạng đối tượng khác nhau mà đưa chung vào một điều khoản cho nên khi xây dựng Điều 48 đã tạo ra sự mâu thuẫn nói trên.

Hy vọng cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
-------
LƯU Ý: VƯỚNG MẮC NÀY ĐÃ ĐƯỢC KHẮC PHỤC Ở ĐÂY
QUYETQUYEN


10 comments:

  1. Ý nghĩa của hai khoản trợ cấp này là khách nhau, nếu nhìn từ phía NLD sẽ thấy vấn đề : trợ cấp thôi việc là hẳn nhiên, khi chấp dứt HĐLĐ thì phải trả. Trợ cấp thất nghiệp phát sinh khi chấm dứt HĐLĐ vì lý do cụ thể (trường hợp này là dôi dư lao động) khoản này như bù đắp cho những người bị mất việc, hỗ trợ để họ tìm việc mới. Đây là yếu tố mang tính chia sẻ, nhân văn. Các nhà làm luật hoàn toàn không nhầm lẫn và không đánh đồng hai loại này!
    Cat Tường

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đính chính "Trợ cấp Thất Nghiệp thành Trợ cấp Mất việc" :-)

      Delete
    2. Khoản 2 Điều 49 của Bộ luật lao động có quy định: "Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc". Như vậy, nếu NLĐ thuộc đối tượng tại khoản 10 Điều 36 thì được hưởng cả chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm. Tuy nhiên, khoản trợ cấp mất việc làm chỉ là khoản "bù" thêm vào trợ cấp thôi việc mà thôi vì thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc chỉ còn là khoảng thời gian còn lại sau khi đã trừ thời gian NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được người lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

      Delete
  2. xin nói thêm là hưởng 2 khoản tiền cho 2 khoảng thời gian khác nhau (trước và sau 1-1-2009), chẳng qua nó là một vì thay vì trả hết thời gian làm việc là trợ cấp thôi việc thì tách ra trước 01-1-2009 là trợ cấp thôi việc và sau 01-1-2009 là bảo hiểm thất nghiệp nên không bị trùng nhau đâu bạn

    ReplyDelete
  3. Khoản 2 điều 48 và khoản 2 điều 49 quy định cùng một công thức tính: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc/ mất việc = tổng thời gian NLĐ làm việc thực tế cho người lao động - thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp - thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Như thế này thì NLĐ không thể nhận được trợ cấp thôi việc cũng như trợ cấp mất việc (?!)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn.Theo Khoản 2 điều 48 và khoản 2 điều 49 thì NLĐ vừa nhận được trợ cấp thôi việc cũng như trợ cấp mất việc. ví dụ ông A từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2004 làm việc tại công ty B, từ tháng 01/2005 công ty B sáp nhập vào công ty C, công ty C vẫn giữ ông A ở lại làm việc tại công ty C đến tháng 01/2009 thì cho ông A tham gia BHTN. Đến 01/2014 thì công ty C giải thể, công ty C sẽ giải quyết chế độ cho ông A như sau: TC thôi việc: từ 01/2000 đến 12/2004 mỗi năm LV = 1/2 tháng lương
      TC mất việc: từ 01/2005 đến 12/2008 mỗi năm LV = 1 tháng lương
      TC thất nghiệp: từ 01/2009 đến 12/2013

      Delete
  4. Trước đây, tác giả cũng từng có một bài viết với tiêu đề "Trợ cấp mất việc - Trợ cấp thôi việc", theo đó tác giả cũng đã phân tích trường hợp người lao động vừa có thể đồng thời được hưởng trợ cấp mất việc lẫn trợ cấp mất việc, cụ thể là trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, với quy định hướng dẫn chi tiết tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP thì điều này đã được khắc phục, cụ thể:

    " Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
    1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động.
    2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.
    ..."

    Điều đó có nghĩa là Nghị định 05/2015/NĐ-CP đã loại trừ trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc tại Khoản 10, Điều 36 theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động. Như vậy, những trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc đã được quy định rõ ràng.

    ReplyDelete
  5. Bài viết rất ý nghĩa.
    https://luattoanquoc.com/tu-van-luat-lao-dong-luat-su-tu-van-mien-phi-goi-19006500/

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!