This is an example of a HTML caption with a link.

Sunday, April 9, 2017

Luật sư không phải tố giác thân chủ


Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đang trong quá trình được Quốc Hội khắc phục những sai sót, để đưa vào thi hành trong thời gian sớm nhất. Liên quan đến vấn đề Luật sư có phải tố giác tội phạm là thân chủ của mình trong quá trình hành nghề hay không, Bộ luật hình sự 2015 có Quy định bổ sung đối với việc Không tố giác tội phạm so với Bộ luật Hình sự 1999, cụ thể có thêm quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 19 quy định:

"3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này" 

Hiện nay trên Mạng xã hội Facebook xuất hiện một số quan điểm của nhiều luật sư cho rằng khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 quy định như trên là không phù hợp mà cần có quy định cho Luật sư được loại trừ trừ trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ mình đối với mọi tội phạm thì luật sư mới tránh được các tai nạn nghề nghiệp và mạnh dạn trong quá trình hành nghề của mình.

Quan điểm cá nhân của tôi thì cho rằng việc BLHS 2015 quy định tại khoản 3, Điều 19 là phù hợp, luật sư sẽ không gặp khó khăn hay có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm (đối với thân chủ), bởi lẽ tại Khoản 1, Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:

"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm."

Điều đó có nghĩa luật sư chỉ bị khởi tố khi luật sư BIẾT RÕ về tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện, trong khi đó nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, hơn ai hết Luật sư là người am hiểu pháp luật vì vậy để xác định luật sư BIẾT RÕ thì đó là vấn đề không tưởng.

Lỗi lập pháp.

Trong khi tại Điều 19 BLHS 2015 có đến 02 khoản (Khoản 2 và Khoản 3) quy định về những chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội phạm Không tố giác tội phạm, thế nhưng tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 chỉ đề cập đến khoản 2, Điều 19 mà không đề cập tới khoản 3 là một sai sót trong việc lập pháp, dẫn đến quy định tại Khoản 3, Điều 19 không có ý nghĩa.
Theo tôi thì Khoản 1, Điều 390 phải quy định như sau: 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trên đây là quan điểm của tác giả liên quan đến khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 xin gửi đến quý độc giả, mong nhận được nhiều sự đóng góp của quý vị độc giả.
Quyết Quyền







1 comment:

  1. bài viết cung cấp nhiều thông tin,biết đucợ nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp luật ngày càng tăng lên IURA đã phát triển iuraapp với mong muốn mọi người đều có thể tiếp cận gần nhất với các luật sư

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!