This is an example of a HTML caption with a link.
Showing posts with label Tư vấn luật hình sự. Show all posts
Showing posts with label Tư vấn luật hình sự. Show all posts

Wednesday, March 14, 2018

Bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Minh Tâm trong vụ án "hậu Huyền Như"

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13/3/2018
Kính thưa : - Hội đồng xét xử
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh
TUQ của VKSTC thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
- Thưa các luật sư đồng nghiệp.
Tôi - Luật sư Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh là người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999.
Trong vụ án này có 10 bị cáo và các quyền lợi của họ không hề đối lập nhau, đồng thời có tới 9 bị cáo đồng loạt kêu oan, riêng 01 bị cáo nhận tội nhưng giải thích lời nhận tội của mình là do quá trình điều tra được điều tra viên giải thích, hướng dẫn mới nhận ra, chứ trong thời điểm thực hiện hành vi không hề biết đó là hành vi làm trái. Lời nhận tội này, về bản chất, cũng là lời gián tiếp kêu oan. Vì vậy, có thể nói cả 10 bị cáo đều kêu oan.
Có tới 30 luật sư bào chữa cho 10 bị cáo. Phải chăng số lượng luật sư đông đảo thế này cũng là sự thể hiện khát vọng của các bị cáo kêu oan cho mình và hy vọng vào tiếng nói của luật sư trong điều kiện Nhà nước ta đang thực hiện cải cách tư pháp, đặc biệt là tư pháp hình sự mà một điểm quan trọng là tôn trọng vị thế, vai trò của luật sư trong tranh tụng dân chủ trước tòa ? Tôi mong sự thật là như thế sau phán quyết của Quý Hội đồng xét xử khi kết thúc phiên tòa này trong một bản án thật sự công minh.
Vì các quyền lợi của 10 bị cáo là thống nhất nên các luật sư trước tôi đã trình bày bài bào chữa theo tôi là rất đầy đủ những luận cứ bào chữa với các lập luận và phân tích đánh giá chứng cứ có sức thuyết phục về hành vi, về hậu quả và mối quan hệ nhân quả theo các dấu hiệu của Điều 165 BLHS. Đặc biệt là không có mối quan hệ nhân quả tất yếu giữa hành vi của các bị cáo với hậu quả Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank tại VTB Chi nhánh HCM.
Trong lời tự bào chữa của mình, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền cũng đã trình bày một cách rõ ràng vị trí, vai trò của bị cáo trong Hội đồng tín dụng và Trưởng phòng pháp chế của Navibank cũng như ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi và một mực kêu oan trong quá trình điều tra, truy tố. Điều này lại được đại diện VKS, trong lời luận tội cho rằng, vai trò của Thu Hiền có hạn chế nhưng quá trình điều tra đã không có thái độ hợp tác, thành khẩn, nên đã đề nghị mức án đối với Thu Hiền từ 8-9 năm tù. Đáng chú ý, trong lời luận tội, đại diện VKS đã chỉ nêu những nhận định đánh giá theo bản cáo trạng mà không xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ được điều tra công khai, bỏ qua các tình tiết trong diễn biến của phiên tòa là không bảo đảm đúng tinh thần của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 09 của Bộ chính trị cũng như quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
Để tránh trùng lặp với ý kiến của các luật sư đã phát biểu trước, phần tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm mấy điểm - theo tôi - là rất quan trọng sau đây :
1. Vụ án Navibank có thể nói là một vụ án “hậu Huyền Như”, bởi vì vụ án được khởi tố theo kiến nghị của bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi kết tội Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã chiếm đoạt số tiền 200 tỷ đồng của Navibank, bản án phúc thẩm này kiến nghị : “ VKSNDTC và cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam việt (nay là Ngân hàng TMCP Quốc dân) đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác hưởng lãi suất vượt trần gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng”.
Từ kiến nghị này, vụ án Navibank được khởi tố và 10 bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay để bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản án phúc thẩm này đã nói lên điều gì ?
Theo tôi, có hai điều cần xem xét:
Điều thứ nhất : Bản án đã chốt lại hậu quả là Navibank đã bị mất số tiền 200 tỷ do Huyền Như chiếm đoạt. Vì thế, tại phiên tòa này, ngay từ đầu Hội đồng xét xử đã xác định vấn đề hậu quả không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này. Có nghĩa là : Hội đồng xét xử không cần phải chứng minh hậu quả vụ án nữa, vì hậu quả đã được xác định trong bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi. Cũng có nghĩa là phiên tòa này đã bỏ qua một dấu hiệu cực kỳ quan trọng là phải chứng minh được hậu quả do hành vi của 10 bị cáo gây ra.
Nghịch lý là ở chỗ này : Các bị cáo kêu oan vì hành vi của mình không gây hậu quả và đòi “quyền được chứng minh” trong vụ án này không có hậu quả xảy ra nhưng về mặt tố tụng, họ đã đã bị “tước” đi cái quyền quan trọng đó đã được pháp luật thừa nhận. Nghịch lý này đẻ ra hệ quả : Lời kêu oan và những điều họ chứng minh là đúng bằng các chứng cứ và luận lý thuyết phục đến đâu chăng nữa cũng sẽ không được Hội đồng xér xử đánh giá, xem xét hay là chỉ kêu cho thỏa mà thôi !
Vì vậy, trong quá trình xét hỏi, các bị cáo và luật sư đã yêu cầu VKSTC cung cấp tài liệu, chứng cứ là các bản sao kê tài khoản của 04 cá nhân để xác định tính chính xác của hậu quả thiệt hại. Rất mừng là yêu cầu này đã được HĐXX chấp thuận cho dừng phiên tòa và có văn bản yêu cầu VKSTC cung cấp.
Nghiên cứu các bản sao kê này, tôi nhận thấy, các tài liệu này chưa bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ có giá trị chứng minh về thiệt hại. Vì các bản sao kê này là tài liệu chứa đựng dữ liệu điện tử nên phải tuân thủ quy định tại Điều 107 BLTTHS 2015 về “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử”. Cụ thể :
1. Về tính khách quan: Các bản sao kê chỉ là tài liệu sao chép lại, không phải là các tài liệu chứng cứ gốc : Không có chữ ký của Giao dịch viên và kiểm soát viên là người chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác và tính pháp lý của tài liệu, chứng từ. Các bản sao kê chỉ có dấu đóng treo của Vietinbank và dấu, chữ ký của Kiểm sát viên.
2. Về tính hợp pháp: Không có các biên bản bàn giao giữa người cung cấp tài liệu và đại diện cơ quan nhận tài liệu, không có biên bản niêm phong và mở niêm phong tài liệu trong phương tiện điện tử ; không có các bút toán kèm theo các bản sao kê này để chứng minh bản sao kê đã thể hiện đúng các giao dịch đã thực hiện…
3. Đặc biệt, chính bản thân các bản sao kê này đã chứng minh số tiền 200 tỷ mà bản án phúc thẩm số 02 quy kết là đã bị Huyền Như chiếm đoạt hết là không đúng. Tổng hợp các bản sao kê tài khoản của 04 cá nhân, chúng tôi thấy vẫn còn trong tài khoản một số tiền gần 300 triệu, căn cứ vào số dư cuối kỳ ở phần đấu phía trái từng bản sao kê tính đến ngày 31/12/2011. Cụ thể :
3.1. Bản sao kê tài khoản của Lương Thị Thủy Tiên :
- BL 5681 : Số dư là 14.254.31300;
- BL 5682 : Số dư là 658.959, 00;
3.2. Bản sao kê tài khoản của Huỳnh Linh Chi :
- BL 5673 : Số dư là 10.727.185,00;
BL 5674 : Số dư là 638,431,00;
3.3. Bản sao kê tài khoản của Nguyễn Cao Thùy Anh :
- BL 5693 : Số dư là 241.544.388,00;
- BL 5694 : Số dư là 3.415.706,00;
3.4. Bản sao kê tài khoản của Lê Thị Thu Hương :
- BL 5678 : Số dư là 20.434.394,00
- BL 5677 : số dư là 6.843.180,00.
Tổng cộng 04 tài khoản của 04 cá nhân thì số tiền còn lại cho đến ngày 31/12/2011 là : 298.516.556 đồng.
Số liệu tổng hợp có thật này đã cho thấy kết luận của bản án phúc thẩm số 02 rằng : Huyền Như đã chiếm đoạt của Navibank số tiền 200 tỷ đồng là chưa đủ căn cứ. Nếu Huyền Như đã chiếm đoạt hết 200 tỷ trong 4 tài khoản này thì mục số dư phải là 0 chứ không thể còn 300 triệu ( số tròn).
Vậy, hoạt động chứng minh này của các bị cáo và luật sư không công nhận giá trị phán quyết của bản án phúc thẩm số 02 về hậu quả thiệt hại 200 tỷ có được xem xét tại phiên tòa này không? Và khi xét thấy bản án phúc thẩm đó có sai lầm vì đã có kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì căn cứ khoản 1 Điều 372 Bộ luật TTHS quy định “Về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm” : “ Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị”. Liệu Hội đồng xét xử vụ án này - với tư cách là một cơ quan xét xử - có thể thông báo với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC để ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 02 nói trên hay không ?
Điều thứ hai : Lại còn một nghịch lý nữa : Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Huyền Như, 9/10 bị cáo cũng không được đến tham dự phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng để trình bày về những vấn đề có liên quan đến hành vi của cá nhân họ khi Hội đồng xét xử kết tội Huyền Như lừa đảo và việc kết tội này lại là tiền đề, là căn cứ để bản án phúc thẩm kiến nghị xử lý trách nhiệm hình sự của họ !
Như vậy, là cả 10 bị cáo hôm nay trở thành nạn nhân của những quy định và áp dụng về tố tụng hình sự xơ cứng, máy móc, vi phạm nghiêm trọng các quyền của bị cáo và mở rộng ra là quyền cơ bản của con người đã được chính Hiến pháp 2013 ghi nhận và bảo hộ !
Có thể nói : Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, ít và hiếm gặp tình cảnh nào như tình cảnh của 10 bị cáo này !
2. Nhưng có một điều – mà điều này lại cực kỳ quan trọng – đối với việc minh oan cho các bị cáo. Đó là bản án phúc thẩm đã phạm một sai lầm nghiêm trọng về lô gích pháp lý khi vừa kết tội Huyền Như lừa đảo lại vừa kiến nghị xử lý về trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân ở Navibank. Và quá trình khởi tố, điều tra, truy tố các bị cáo trong vụ án này cũng đã phạm sai lầm trong hoạt động chứng minh theo định hướng kiến nghị của bản án phúc thẩm mà lẽ ra, các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố phải có văn bản xác định không khởi tố vụ án hình sự tại Navibank mới bảo đảm tính đúng đắn, công bằng.
Căn cứ vào đâu để tôi khẳng định điều này ?
Ai cũng biết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bao giờ cũng được phát sinh từ một mối quan hệ xã hội. Đó là mối quan hệ giữa “Kẻ đi lừa” và “Người bị lừa”. Bản án phúc thẩm kết tội Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. Vậy trong mối quan hệ này : Huyền Như là “kẻ đi lừa” và Navibank là “Người bị lừa”. Navibank là một pháp nhân, hoạt động của nó phải thông qua các cá nhân với các chức vụ, quyền hạn nhất định theo Luật các tổ chức tín dụng. Chính vì thế mà pháp luật không truy tố hình sự đối với pháp nhân Navibank mà truy tố các cá nhân có chức vụ, quyền hạn của Navibank. Vậy, nói Navibank “bị Huyền Như lừa” thì tức là xác định 10 cá nhân các bị cáo này “bị Huyền Như lừa”. Về mặt lô gích pháp luật và cả lô gích của đời thường, người bị lừa không biết mình bị lừa thì mới bị lừa. Tức là chỉ vì vô ý quá cẩu thả hay vô ý quá tự tin thì mới bị lừa, chứ tuyệt nhiên không bao giờ và không có ai cố ý để cho mình bị người khác lừa cả.
Vậy, kết luận lô gích rút ra sau phân tích này là : Cả 10 cá nhân bị cáo hôm nay bị Huyền Như lừa thì rõ ràng là họ không có “Lỗi cố ý”. Tức là họ không thể thấy trước được hậu quả và mong muốn (Cố ý trực tiếp) hoặc bỏ mặc hậu quả (Cố ý gián tiếp) xảy ra. Điều này là rõ ràng. Vậy, lô gích của vấn đề là họ đã không có “Lỗi cố ý” tức là không có dấu hiệu mặt chủ quan là một trong 4 yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm trong tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Họ đã khốn khổ khi bị Huyền Như lừa dẫn đến mất tiền rồi nay lại khốn khổ vì bị đưa ra pháp đình về cái tội mà họ không cố ý phạm phải.
Do đó, theo tôi, trong vụ án này, các bị cáo kêu oan là hoàn toàn có căn cứ pháp luật !
Tiếc rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS đã né tránh, cố ý không chứng minh về “Lỗi cố ý” (dù là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp) của họ để bảo vệ lời luận tội của mình.
3. Tại phiên tòa, khi trình bày bài tự bào chữa, bị cáo Đoàn Đăng Luật đã nói những lời như rút ra từ gan ruột mình khiến những người nghe xúc động, khi được biết : Trong quá trình điều tra, một điều tra viên nào đó (mà bị cáo Luật không nói tên) đã nói với Luật rằng : Thật không may cho các anh, Vietinbank là của Nhà nước mà quyền lợi của Nhà nước phải được ưu tiên bảo vệ. Các anh đã đụng phải đá rồi ! Không biết điều này bị cáo Luật kể lại có đúng không nhưng diễn biến của 02 phiên tòa xử Huyền Như trước đây đã cho thấy, thực sự Vietinbank đã thoát khỏi cái gọi là trách nhiệm dân sự phải bồi thường tiền gửi cho khách hàng; Vietinbank không mất tiền vì Huyền như đã lãnh trọn cái trách nhiệm ấy, cũng có nghĩa là quyền lợi của Nhà nước đã được các phiên tòa trước bảo vệ.
Nhưng xin thưa Quý tòa, Quý viện !
Bản án phúc thẩm số 02 cũng đã giải thoát trách nhiệm dân sự của Vietinbank, tức là đã bảo vệ quyền lợi của Nhà nước bằng phán quyết Huyền Như phải bồi thường cho Navibank số tiền 200 tỷ. Vietinbank không bị mất số tiền này. Vậy thì việc đưa 10 bị cáo - nạn nhân của Huyền Như - ra tòa để xử về tội “Cố ý làm trái…” còn có ý nghĩa gì nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của Vietinbank ?
Chính họ - 10 bị cáo này mới thực sự cần được giải thoát nỗi oan mà họ đang kêu !
Tôi thật bất ngờ với lời luận tội của vị đại diện VKS khi đề nghị mức án với các bị cáo quá nặng, bị cáo cao nhất bị đề nghị từ 14-15 năm tù chỉ vì họ là “Những kẻ bị lừa”.
Tôi xin kết thúc lời bào chữa bằng một niềm mong và hy vọng, bản án sắp được tuyên của Hội đồng xét xử thực sự là một bản án công minh, giải được nỗi oan cho 10 bị cáo này.
Trân trọng cảm ơn.
Ký tên
LUẬT SƯ NGUYỄN MINH TÂM
(Nguồn Facebook)

Sunday, December 17, 2017

Ủy quyền khởi kiện - hiểu sao cho đúng

Vừa qua, trên Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh vừa đăng 02 bài viết liên quan đến việc người đại diện theo ủy quyền thực hiện việc khởi kiện và ký đơn khởi kiện, cụ thể là bài đăng với tiêu đề "Thay mặt người đang ở Canada khởi kiện được không?” và bài “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?”. Trong các bài viết trên thì các chuyên gia luật cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau, qua bài viết này tác giả xin chia sẻ những quan điểm của tác giả về vấn đề này cùng Quý độc giả, để quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ủy quyền trong Tố tụng dân sự

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là cá nhân (nguyên đơn) không được ký đơn khởi kiện vì luật đã quy định rất rõ ràng.

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

Người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức thì được quyền ký đơn khởi kiện.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì: “3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.” (Đại diện hợp pháp của tổ chức bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền).

Nội dung này, trước đây được Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn rất rõ tại khoản 5, Điều 2, cụ thể như sau: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện vụ án thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi dòng chữ “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.”

Ủy quyền trong giao dịch dân sự

Người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện.

Trong 02 bài báo của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng không thể hiện được sự khác nhau giữa người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự vì vậy dẫn đến việc khó hiểu cho người đọc, đồng thời các chuyên gia đã phân tích vẫn chưa nhận định được sự khác biệt về tư cách của người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và giao dịch dân sự.

Theo quan điểm của tác giả thì người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền ký đơn, thì họ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn trong vụ án dân sự, chứ không phải là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Tác giả xin đưa ra một trường hợp cụ thể để Quý độc giả dễ hình dung:

Ông A ủy quyền cho ông B được toàn quyền, quản lý, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình là Quyền sử dụng đất X, bằng văn bản ủy quyền hợp pháp, sau khi có văn bản ủy quyền hợp pháp thì ông B tiến hành giao dịch với ông C, cụ thể là ông B chuyển nhượng quyền sử dụng đất X cho ông C với giá 300.000.000 đồng, ông B và C thỏa thuận việc thanh toán thành 02 lần, lần 1: 200.000.000 đồng ngay khi ký hợp đồng chuyển nhượng, lần 2 ngay khi việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất được hoàn tất theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hợp đồng thì ông C chỉ thanh toán cho ông B 200.000.000 đồng, đối với  100.000.000 đồng còn lại thì ông C vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, theo quan điểm của tác giả thì trong trường hợp này ông B được quyền ký đơn khởi kiện để kiện ông C, yêu cầu ông C phải thanh toán số tiền 100.000.000 đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng và khi tòa thụ lý vụ án thì ông B là nguyên đơn trong vụ án.

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vụ việc được phản ánh trong bài viết “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?” Bởi lẽ người đại diện theo ủy quyền đã được quyền chiếm hữu đối với tài sản đó thì được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu của mình khi có hành vi xâm phạm, cụ thể được quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 “Điều 185. Bảo vệ việc chiếm hữu
Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Qua bài viết này tác giả hy vọng Quý độc giả có thể hiểu rõ hơn quy định liên quan đến việc ủy quyền và xác định được lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền được quyền khởi kiện, lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền không được quyền khởi kiện.
Quyết Quyền

Sunday, April 9, 2017

Luật sư không phải tố giác thân chủ


Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đang trong quá trình được Quốc Hội khắc phục những sai sót, để đưa vào thi hành trong thời gian sớm nhất. Liên quan đến vấn đề Luật sư có phải tố giác tội phạm là thân chủ của mình trong quá trình hành nghề hay không, Bộ luật hình sự 2015 có Quy định bổ sung đối với việc Không tố giác tội phạm so với Bộ luật Hình sự 1999, cụ thể có thêm quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 19 quy định:

"3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này" 

Hiện nay trên Mạng xã hội Facebook xuất hiện một số quan điểm của nhiều luật sư cho rằng khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 quy định như trên là không phù hợp mà cần có quy định cho Luật sư được loại trừ trừ trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ mình đối với mọi tội phạm thì luật sư mới tránh được các tai nạn nghề nghiệp và mạnh dạn trong quá trình hành nghề của mình.

Quan điểm cá nhân của tôi thì cho rằng việc BLHS 2015 quy định tại khoản 3, Điều 19 là phù hợp, luật sư sẽ không gặp khó khăn hay có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm (đối với thân chủ), bởi lẽ tại Khoản 1, Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:

"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm."

Điều đó có nghĩa luật sư chỉ bị khởi tố khi luật sư BIẾT RÕ về tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện, trong khi đó nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, hơn ai hết Luật sư là người am hiểu pháp luật vì vậy để xác định luật sư BIẾT RÕ thì đó là vấn đề không tưởng.

Lỗi lập pháp.

Trong khi tại Điều 19 BLHS 2015 có đến 02 khoản (Khoản 2 và Khoản 3) quy định về những chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội phạm Không tố giác tội phạm, thế nhưng tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 chỉ đề cập đến khoản 2, Điều 19 mà không đề cập tới khoản 3 là một sai sót trong việc lập pháp, dẫn đến quy định tại Khoản 3, Điều 19 không có ý nghĩa.
Theo tôi thì Khoản 1, Điều 390 phải quy định như sau: 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trên đây là quan điểm của tác giả liên quan đến khoản 3, Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 xin gửi đến quý độc giả, mong nhận được nhiều sự đóng góp của quý vị độc giả.
Quyết Quyền







Wednesday, June 3, 2015

Trưởng văn phòng công chứng Tào Văn Phụng bị bắt tạm giam

tạm giam
(Pháp luật) Lúc 8 giờ 30 phút ngày 2/6, tại Văn phòng Công chứng Tào Văn Phụng, số 105, đường Trần Huỳnh, khóm 2, phường 7, TP. Bạc Liêu, trước sự chứng kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Bạc Liêu và chính quyền địa phương; Đại úy Đoàn Minh Hiếu, Đội phó Đội Hình sự Công an TP. Bạc Liêu đã đọc Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Bạc Liêu; Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Bạc Liêu đối với Tào Văn Phụng, SN 1954, ngụ số 175, đường Hoàng Văn Thụ, khóm 3, phường 3, TP. Bạc Liêu, Trưởng Văn phòng Công chứng Tào Văn Phụng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 3, Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, lực lượng tiến hành khám xét nơi ở tại số 175, đường Hoàng Văn Thụ, khóm 3, phường 3, TP. Bạc Liêu.

Friday, May 29, 2015

Quyền im lặng

quyền im lặng
quyền im lặng
Những ngày đầu tiên khi mới sang Mỹ học luật, trên đường đi bộ từ nhà tới trường, tôi nhận thấy là các ngôi nhà hầu hết không có hàng rào và các chấn song sắt kiên cố như tôi vẫn thấy ở Việt Nam. Vì biết nước Mỹ là một quốc gia có tỷ lệ tội phạm và số người ngồi tù thuộc nhóm đứng đầu thế giới, nên tôi thắc mắc nhưng không thể lý giải được điều đó.
Tôi mang vấn đề này hỏi giáo sư của mình và được ông trả lời như sau: “Chúng tôi thừa nhận một sự thật là cái ác đã, đang và sẽ luôn song hành với cái thiện chừng nào nhân loại còn tồn tại. Chúng tôi biết là không có một giải pháp nào có thể giải quyết được mọi mục đích đặt ra. Do đó, khi soạn luật chúng tôi xem xét các mục đích rồi xác định thứ tự ưu tiên cho các mục đích đó. Đối với vấn đề tội phạm, ưu tiên của chúng tôi là làm cho những người dân yên tâm là họ được bảo vệ và nhờ đó các nguồn lực, thay vì được dùng để biến mỗi căn nhà thành một pháo đài thì sẽ được đầu tư cho lực lượng thực thi luật pháp. Nói cách khác, chúng tôi làm luật không vì một nhóm nhỏ người xấu mà vì đa số người tốt. Sự an tâm và phát triển của những người dân sẽ mang lại nguồn lực cho việc bảo vệ pháp luật. Cái anh nhìn thấy là kết quả của triết lý lập pháp đó”.

Wednesday, January 15, 2014

Đại án Huyền Như (luận cứ bảo vệ SBBS)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 01 năm 2014

Luật sư Nguyễn Minh Tâm
- Đại diện VKSND TP. HCM
Kính thưa : - Hội đồng xét xử - TAND TP. HCM
Tôi - luật sư Nguyễn Minh Tâm và luật sư Nguyễn Thị Minh Phương - Văn phòng luật sư Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (“SBBS”) trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ án được Quý tòa đưa ra xét xử từ ngày 06 – 25/01/2014. Trong vụ án này, TAND TP. Hồ Chí Minh đã xác định Cty SBBS là “Nguyên đơn dân sự”. Công ty SBBS không đồng ý với tư cách tố tụng này và đã có Đơn yêu cầu với hai nội dung : 1) Xác định rõ họ không phải là nguyên đơn dân sự và 2) Yêu cầu Vietinbank – Chi nhánh TP HCM phải có trách nhiệm trả lại số tiền 210 tỷ đồng trong tài khoản được mở hợp pháp tại Viettinbank – Chi nhánh TP HCM !

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo dõi giai đoạn xét hỏi và nghe lời luận tội của vị đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh thừa ủy quyền công tố của VKSNDTC tại phiên tòa, chúng tôi xin trình bày bản luận cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho SBBS tại phiên xử sơ thẩm này với một niềm tin rằng, Hội đồng xét xử sẽ lắng nghe và tham khảo những ý kiến của chúng tôi để có phán quyết khách quan, công bằng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ chúng tôi - Công ty SBBS ! 

Monday, October 14, 2013

Chứng thực bản sao từ bản chính - sao y bản chính

Chứng thực bản sao từ bản chính (sau đây gọi tắt là “chứng thực”) là việc UBND cấp xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. (Khoản 5, Điều 2, Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Bản chính” được hiểu  là bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu tiên có giá trị pháp lý để sử dụng, là cơ sở để đối chiếu và chứng thực bản sao. (theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính”: Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.(Khoản 1, Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Trên đây là một số quy định liên quan đến việc Chứng thực bản sao từ bản chính, một việc hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có một đôi lần đi đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu thực hiện mà chúng ta vẫn thường có thói quen gọi là đi “công chứng giấy tờ”.
Liên quan đến vấn đề này hôm nay tác giả xin gửi đến quý đọc giả câu chuyện sau để quý vị độc giả có thể nhận thấy được việc áp dụng pháp luật hiện tại của các cơ quan Nhà nước của chúng ta hiện tại như thế nào:

Friday, October 11, 2013

Tòa "đẻ" thêm thủ tục - xác nhận nơi cư trú bị đơn

"Phép vua thua lệ làng" câu nói từ xưa của cha ông ta đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Hầu như những ai đã từng đi nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án thì đều thấu hiểu những khó khăn mình gặp phải. Bài viết này tác giả xin nêu ra yêu cầu của một số Tòa án không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng lại đang tồn tại rất phổ biến đó là việc các cán bộ Tòa án yêu cầu người khởi kiện liên hệ với công an xã/phường/thị trấn xác nhận nơi cư trú của người bị kiện và người có quyền lợi liên quan. Nếu người khởi kiện không cung cấp được giấy xác nhận này thì Tòa nhất định không nhận đơn khởi kiện.
Bài viết liên quan:
>>> Nộp đơn khởi kiện
Tác giả không hiểu Tòa đã dựa vào quy định nào để đưa ra yêu cầu này, trong khi Điều 164 của Bộ luật Tố tụng Dân sự  chỉ quy định trong Đơn khởi kiện, người khởikiện chỉ cần ghi đầy đủ  họ, tên, địa chỉ người khởi kiện và họ, tên người có quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu có). Vấn đề này cũng được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể tại các Khoản 5,6,7 Điều 9, Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP theo đó thì :