This is an example of a HTML caption with a link.

Wednesday, March 14, 2018

Bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Minh Tâm trong vụ án "hậu Huyền Như"

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13/3/2018
Kính thưa : - Hội đồng xét xử
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh
TUQ của VKSTC thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
- Thưa các luật sư đồng nghiệp.
Tôi - Luật sư Nguyễn Minh Tâm thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh là người bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Thu Hiền, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999.
Trong vụ án này có 10 bị cáo và các quyền lợi của họ không hề đối lập nhau, đồng thời có tới 9 bị cáo đồng loạt kêu oan, riêng 01 bị cáo nhận tội nhưng giải thích lời nhận tội của mình là do quá trình điều tra được điều tra viên giải thích, hướng dẫn mới nhận ra, chứ trong thời điểm thực hiện hành vi không hề biết đó là hành vi làm trái. Lời nhận tội này, về bản chất, cũng là lời gián tiếp kêu oan. Vì vậy, có thể nói cả 10 bị cáo đều kêu oan.
Có tới 30 luật sư bào chữa cho 10 bị cáo. Phải chăng số lượng luật sư đông đảo thế này cũng là sự thể hiện khát vọng của các bị cáo kêu oan cho mình và hy vọng vào tiếng nói của luật sư trong điều kiện Nhà nước ta đang thực hiện cải cách tư pháp, đặc biệt là tư pháp hình sự mà một điểm quan trọng là tôn trọng vị thế, vai trò của luật sư trong tranh tụng dân chủ trước tòa ? Tôi mong sự thật là như thế sau phán quyết của Quý Hội đồng xét xử khi kết thúc phiên tòa này trong một bản án thật sự công minh.
Vì các quyền lợi của 10 bị cáo là thống nhất nên các luật sư trước tôi đã trình bày bài bào chữa theo tôi là rất đầy đủ những luận cứ bào chữa với các lập luận và phân tích đánh giá chứng cứ có sức thuyết phục về hành vi, về hậu quả và mối quan hệ nhân quả theo các dấu hiệu của Điều 165 BLHS. Đặc biệt là không có mối quan hệ nhân quả tất yếu giữa hành vi của các bị cáo với hậu quả Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank tại VTB Chi nhánh HCM.
Trong lời tự bào chữa của mình, bị cáo Phạm Thị Thu Hiền cũng đã trình bày một cách rõ ràng vị trí, vai trò của bị cáo trong Hội đồng tín dụng và Trưởng phòng pháp chế của Navibank cũng như ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi và một mực kêu oan trong quá trình điều tra, truy tố. Điều này lại được đại diện VKS, trong lời luận tội cho rằng, vai trò của Thu Hiền có hạn chế nhưng quá trình điều tra đã không có thái độ hợp tác, thành khẩn, nên đã đề nghị mức án đối với Thu Hiền từ 8-9 năm tù. Đáng chú ý, trong lời luận tội, đại diện VKS đã chỉ nêu những nhận định đánh giá theo bản cáo trạng mà không xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ được điều tra công khai, bỏ qua các tình tiết trong diễn biến của phiên tòa là không bảo đảm đúng tinh thần của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 09 của Bộ chính trị cũng như quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
Để tránh trùng lặp với ý kiến của các luật sư đã phát biểu trước, phần tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm mấy điểm - theo tôi - là rất quan trọng sau đây :
1. Vụ án Navibank có thể nói là một vụ án “hậu Huyền Như”, bởi vì vụ án được khởi tố theo kiến nghị của bản án phúc thẩm số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi kết tội Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã chiếm đoạt số tiền 200 tỷ đồng của Navibank, bản án phúc thẩm này kiến nghị : “ VKSNDTC và cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của những người có thẩm quyền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam việt (nay là Ngân hàng TMCP Quốc dân) đã ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác hưởng lãi suất vượt trần gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xử lý thỏa đáng”.
Từ kiến nghị này, vụ án Navibank được khởi tố và 10 bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay để bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bản án phúc thẩm này đã nói lên điều gì ?
Theo tôi, có hai điều cần xem xét:
Điều thứ nhất : Bản án đã chốt lại hậu quả là Navibank đã bị mất số tiền 200 tỷ do Huyền Như chiếm đoạt. Vì thế, tại phiên tòa này, ngay từ đầu Hội đồng xét xử đã xác định vấn đề hậu quả không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này. Có nghĩa là : Hội đồng xét xử không cần phải chứng minh hậu quả vụ án nữa, vì hậu quả đã được xác định trong bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật rồi. Cũng có nghĩa là phiên tòa này đã bỏ qua một dấu hiệu cực kỳ quan trọng là phải chứng minh được hậu quả do hành vi của 10 bị cáo gây ra.
Nghịch lý là ở chỗ này : Các bị cáo kêu oan vì hành vi của mình không gây hậu quả và đòi “quyền được chứng minh” trong vụ án này không có hậu quả xảy ra nhưng về mặt tố tụng, họ đã đã bị “tước” đi cái quyền quan trọng đó đã được pháp luật thừa nhận. Nghịch lý này đẻ ra hệ quả : Lời kêu oan và những điều họ chứng minh là đúng bằng các chứng cứ và luận lý thuyết phục đến đâu chăng nữa cũng sẽ không được Hội đồng xér xử đánh giá, xem xét hay là chỉ kêu cho thỏa mà thôi !
Vì vậy, trong quá trình xét hỏi, các bị cáo và luật sư đã yêu cầu VKSTC cung cấp tài liệu, chứng cứ là các bản sao kê tài khoản của 04 cá nhân để xác định tính chính xác của hậu quả thiệt hại. Rất mừng là yêu cầu này đã được HĐXX chấp thuận cho dừng phiên tòa và có văn bản yêu cầu VKSTC cung cấp.
Nghiên cứu các bản sao kê này, tôi nhận thấy, các tài liệu này chưa bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ có giá trị chứng minh về thiệt hại. Vì các bản sao kê này là tài liệu chứa đựng dữ liệu điện tử nên phải tuân thủ quy định tại Điều 107 BLTTHS 2015 về “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử”. Cụ thể :
1. Về tính khách quan: Các bản sao kê chỉ là tài liệu sao chép lại, không phải là các tài liệu chứng cứ gốc : Không có chữ ký của Giao dịch viên và kiểm soát viên là người chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác và tính pháp lý của tài liệu, chứng từ. Các bản sao kê chỉ có dấu đóng treo của Vietinbank và dấu, chữ ký của Kiểm sát viên.
2. Về tính hợp pháp: Không có các biên bản bàn giao giữa người cung cấp tài liệu và đại diện cơ quan nhận tài liệu, không có biên bản niêm phong và mở niêm phong tài liệu trong phương tiện điện tử ; không có các bút toán kèm theo các bản sao kê này để chứng minh bản sao kê đã thể hiện đúng các giao dịch đã thực hiện…
3. Đặc biệt, chính bản thân các bản sao kê này đã chứng minh số tiền 200 tỷ mà bản án phúc thẩm số 02 quy kết là đã bị Huyền Như chiếm đoạt hết là không đúng. Tổng hợp các bản sao kê tài khoản của 04 cá nhân, chúng tôi thấy vẫn còn trong tài khoản một số tiền gần 300 triệu, căn cứ vào số dư cuối kỳ ở phần đấu phía trái từng bản sao kê tính đến ngày 31/12/2011. Cụ thể :
3.1. Bản sao kê tài khoản của Lương Thị Thủy Tiên :
- BL 5681 : Số dư là 14.254.31300;
- BL 5682 : Số dư là 658.959, 00;
3.2. Bản sao kê tài khoản của Huỳnh Linh Chi :
- BL 5673 : Số dư là 10.727.185,00;
BL 5674 : Số dư là 638,431,00;
3.3. Bản sao kê tài khoản của Nguyễn Cao Thùy Anh :
- BL 5693 : Số dư là 241.544.388,00;
- BL 5694 : Số dư là 3.415.706,00;
3.4. Bản sao kê tài khoản của Lê Thị Thu Hương :
- BL 5678 : Số dư là 20.434.394,00
- BL 5677 : số dư là 6.843.180,00.
Tổng cộng 04 tài khoản của 04 cá nhân thì số tiền còn lại cho đến ngày 31/12/2011 là : 298.516.556 đồng.
Số liệu tổng hợp có thật này đã cho thấy kết luận của bản án phúc thẩm số 02 rằng : Huyền Như đã chiếm đoạt của Navibank số tiền 200 tỷ đồng là chưa đủ căn cứ. Nếu Huyền Như đã chiếm đoạt hết 200 tỷ trong 4 tài khoản này thì mục số dư phải là 0 chứ không thể còn 300 triệu ( số tròn).
Vậy, hoạt động chứng minh này của các bị cáo và luật sư không công nhận giá trị phán quyết của bản án phúc thẩm số 02 về hậu quả thiệt hại 200 tỷ có được xem xét tại phiên tòa này không? Và khi xét thấy bản án phúc thẩm đó có sai lầm vì đã có kết luận không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì căn cứ khoản 1 Điều 372 Bộ luật TTHS quy định “Về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm” : “ Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị”. Liệu Hội đồng xét xử vụ án này - với tư cách là một cơ quan xét xử - có thể thông báo với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC để ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 02 nói trên hay không ?
Điều thứ hai : Lại còn một nghịch lý nữa : Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án Huyền Như, 9/10 bị cáo cũng không được đến tham dự phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng để trình bày về những vấn đề có liên quan đến hành vi của cá nhân họ khi Hội đồng xét xử kết tội Huyền Như lừa đảo và việc kết tội này lại là tiền đề, là căn cứ để bản án phúc thẩm kiến nghị xử lý trách nhiệm hình sự của họ !
Như vậy, là cả 10 bị cáo hôm nay trở thành nạn nhân của những quy định và áp dụng về tố tụng hình sự xơ cứng, máy móc, vi phạm nghiêm trọng các quyền của bị cáo và mở rộng ra là quyền cơ bản của con người đã được chính Hiến pháp 2013 ghi nhận và bảo hộ !
Có thể nói : Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, ít và hiếm gặp tình cảnh nào như tình cảnh của 10 bị cáo này !
2. Nhưng có một điều – mà điều này lại cực kỳ quan trọng – đối với việc minh oan cho các bị cáo. Đó là bản án phúc thẩm đã phạm một sai lầm nghiêm trọng về lô gích pháp lý khi vừa kết tội Huyền Như lừa đảo lại vừa kiến nghị xử lý về trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân ở Navibank. Và quá trình khởi tố, điều tra, truy tố các bị cáo trong vụ án này cũng đã phạm sai lầm trong hoạt động chứng minh theo định hướng kiến nghị của bản án phúc thẩm mà lẽ ra, các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố phải có văn bản xác định không khởi tố vụ án hình sự tại Navibank mới bảo đảm tính đúng đắn, công bằng.
Căn cứ vào đâu để tôi khẳng định điều này ?
Ai cũng biết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bao giờ cũng được phát sinh từ một mối quan hệ xã hội. Đó là mối quan hệ giữa “Kẻ đi lừa” và “Người bị lừa”. Bản án phúc thẩm kết tội Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. Vậy trong mối quan hệ này : Huyền Như là “kẻ đi lừa” và Navibank là “Người bị lừa”. Navibank là một pháp nhân, hoạt động của nó phải thông qua các cá nhân với các chức vụ, quyền hạn nhất định theo Luật các tổ chức tín dụng. Chính vì thế mà pháp luật không truy tố hình sự đối với pháp nhân Navibank mà truy tố các cá nhân có chức vụ, quyền hạn của Navibank. Vậy, nói Navibank “bị Huyền Như lừa” thì tức là xác định 10 cá nhân các bị cáo này “bị Huyền Như lừa”. Về mặt lô gích pháp luật và cả lô gích của đời thường, người bị lừa không biết mình bị lừa thì mới bị lừa. Tức là chỉ vì vô ý quá cẩu thả hay vô ý quá tự tin thì mới bị lừa, chứ tuyệt nhiên không bao giờ và không có ai cố ý để cho mình bị người khác lừa cả.
Vậy, kết luận lô gích rút ra sau phân tích này là : Cả 10 cá nhân bị cáo hôm nay bị Huyền Như lừa thì rõ ràng là họ không có “Lỗi cố ý”. Tức là họ không thể thấy trước được hậu quả và mong muốn (Cố ý trực tiếp) hoặc bỏ mặc hậu quả (Cố ý gián tiếp) xảy ra. Điều này là rõ ràng. Vậy, lô gích của vấn đề là họ đã không có “Lỗi cố ý” tức là không có dấu hiệu mặt chủ quan là một trong 4 yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm trong tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Họ đã khốn khổ khi bị Huyền Như lừa dẫn đến mất tiền rồi nay lại khốn khổ vì bị đưa ra pháp đình về cái tội mà họ không cố ý phạm phải.
Do đó, theo tôi, trong vụ án này, các bị cáo kêu oan là hoàn toàn có căn cứ pháp luật !
Tiếc rằng, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS đã né tránh, cố ý không chứng minh về “Lỗi cố ý” (dù là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp) của họ để bảo vệ lời luận tội của mình.
3. Tại phiên tòa, khi trình bày bài tự bào chữa, bị cáo Đoàn Đăng Luật đã nói những lời như rút ra từ gan ruột mình khiến những người nghe xúc động, khi được biết : Trong quá trình điều tra, một điều tra viên nào đó (mà bị cáo Luật không nói tên) đã nói với Luật rằng : Thật không may cho các anh, Vietinbank là của Nhà nước mà quyền lợi của Nhà nước phải được ưu tiên bảo vệ. Các anh đã đụng phải đá rồi ! Không biết điều này bị cáo Luật kể lại có đúng không nhưng diễn biến của 02 phiên tòa xử Huyền Như trước đây đã cho thấy, thực sự Vietinbank đã thoát khỏi cái gọi là trách nhiệm dân sự phải bồi thường tiền gửi cho khách hàng; Vietinbank không mất tiền vì Huyền như đã lãnh trọn cái trách nhiệm ấy, cũng có nghĩa là quyền lợi của Nhà nước đã được các phiên tòa trước bảo vệ.
Nhưng xin thưa Quý tòa, Quý viện !
Bản án phúc thẩm số 02 cũng đã giải thoát trách nhiệm dân sự của Vietinbank, tức là đã bảo vệ quyền lợi của Nhà nước bằng phán quyết Huyền Như phải bồi thường cho Navibank số tiền 200 tỷ. Vietinbank không bị mất số tiền này. Vậy thì việc đưa 10 bị cáo - nạn nhân của Huyền Như - ra tòa để xử về tội “Cố ý làm trái…” còn có ý nghĩa gì nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của Vietinbank ?
Chính họ - 10 bị cáo này mới thực sự cần được giải thoát nỗi oan mà họ đang kêu !
Tôi thật bất ngờ với lời luận tội của vị đại diện VKS khi đề nghị mức án với các bị cáo quá nặng, bị cáo cao nhất bị đề nghị từ 14-15 năm tù chỉ vì họ là “Những kẻ bị lừa”.
Tôi xin kết thúc lời bào chữa bằng một niềm mong và hy vọng, bản án sắp được tuyên của Hội đồng xét xử thực sự là một bản án công minh, giải được nỗi oan cho 10 bị cáo này.
Trân trọng cảm ơn.
Ký tên
LUẬT SƯ NGUYỄN MINH TÂM
(Nguồn Facebook)

0 Nhận xét:

Post a Comment

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!