This is an example of a HTML caption with a link.

Sunday, December 17, 2017

Ủy quyền khởi kiện - hiểu sao cho đúng

Vừa qua, trên Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh vừa đăng 02 bài viết liên quan đến việc người đại diện theo ủy quyền thực hiện việc khởi kiện và ký đơn khởi kiện, cụ thể là bài đăng với tiêu đề "Thay mặt người đang ở Canada khởi kiện được không?” và bài “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?”. Trong các bài viết trên thì các chuyên gia luật cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau, qua bài viết này tác giả xin chia sẻ những quan điểm của tác giả về vấn đề này cùng Quý độc giả, để quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ủy quyền trong Tố tụng dân sự

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là cá nhân (nguyên đơn) không được ký đơn khởi kiện vì luật đã quy định rất rõ ràng.

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

Người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức thì được quyền ký đơn khởi kiện.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì: “3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.” (Đại diện hợp pháp của tổ chức bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền).

Nội dung này, trước đây được Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn rất rõ tại khoản 5, Điều 2, cụ thể như sau: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện vụ án thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi dòng chữ “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.”

Ủy quyền trong giao dịch dân sự

Người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện.

Trong 02 bài báo của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng không thể hiện được sự khác nhau giữa người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự vì vậy dẫn đến việc khó hiểu cho người đọc, đồng thời các chuyên gia đã phân tích vẫn chưa nhận định được sự khác biệt về tư cách của người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và giao dịch dân sự.

Theo quan điểm của tác giả thì người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền ký đơn, thì họ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn trong vụ án dân sự, chứ không phải là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Tác giả xin đưa ra một trường hợp cụ thể để Quý độc giả dễ hình dung:

Ông A ủy quyền cho ông B được toàn quyền, quản lý, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình là Quyền sử dụng đất X, bằng văn bản ủy quyền hợp pháp, sau khi có văn bản ủy quyền hợp pháp thì ông B tiến hành giao dịch với ông C, cụ thể là ông B chuyển nhượng quyền sử dụng đất X cho ông C với giá 300.000.000 đồng, ông B và C thỏa thuận việc thanh toán thành 02 lần, lần 1: 200.000.000 đồng ngay khi ký hợp đồng chuyển nhượng, lần 2 ngay khi việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất được hoàn tất theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hợp đồng thì ông C chỉ thanh toán cho ông B 200.000.000 đồng, đối với  100.000.000 đồng còn lại thì ông C vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, theo quan điểm của tác giả thì trong trường hợp này ông B được quyền ký đơn khởi kiện để kiện ông C, yêu cầu ông C phải thanh toán số tiền 100.000.000 đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng và khi tòa thụ lý vụ án thì ông B là nguyên đơn trong vụ án.

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vụ việc được phản ánh trong bài viết “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?” Bởi lẽ người đại diện theo ủy quyền đã được quyền chiếm hữu đối với tài sản đó thì được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu của mình khi có hành vi xâm phạm, cụ thể được quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 “Điều 185. Bảo vệ việc chiếm hữu
Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Qua bài viết này tác giả hy vọng Quý độc giả có thể hiểu rõ hơn quy định liên quan đến việc ủy quyền và xác định được lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền được quyền khởi kiện, lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền không được quyền khởi kiện.
Quyết Quyền
Google Account Video Purchases Vĩnh Long, Việt Nam

3 comments:

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!