This is an example of a HTML caption with a link.

Monday, October 14, 2013

Chứng thực bản sao từ bản chính - sao y bản chính

Chứng thực bản sao từ bản chính (sau đây gọi tắt là “chứng thực”) là việc UBND cấp xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. (Khoản 5, Điều 2, Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Bản chính” được hiểu  là bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp lần đầu tiên có giá trị pháp lý để sử dụng, là cơ sở để đối chiếu và chứng thực bản sao. (theo Khoản 1, Điều 2, Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính”: Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.(Khoản 1, Điều 3 Nghị định 79/2007/NĐ-CP).
Trên đây là một số quy định liên quan đến việc Chứng thực bản sao từ bản chính, một việc hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có một đôi lần đi đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu thực hiện mà chúng ta vẫn thường có thói quen gọi là đi “công chứng giấy tờ”.
Liên quan đến vấn đề này hôm nay tác giả xin gửi đến quý đọc giả câu chuyện sau để quý vị độc giả có thể nhận thấy được việc áp dụng pháp luật hiện tại của các cơ quan Nhà nước của chúng ta hiện tại như thế nào:

Tôi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng nên việc đi chứng thực văn bản, giấy tờ mà hơn hết là tôi vẫn thường đi chứng thực các Bản án, Quyết định của Tòa án để nộp kèm theo Đơn kháng cáo hoặc là Đơn yêu cầu thi hành án là việc làm khá thường xuyên. Hôm nay, sau khi nhận được ủy quyền từ khách hàng tôi cũng chuẩn bị hồ sơ để làm đơn yêu cầu thi hành án dựa trên một Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự của Tòa án nhân dân Thị xã S.Đ, tỉnh ĐT.  Như thường lệ hồ sơ nộp kèm theo đơn yêu cầu thi hành án bao giờ cũng phải có Bản án hoặc Quyết định đi kèm, theo như những nơi trước đây tôi từng nộp Đơn yêu cầu thi hành án thì Quyết định hoặc Bản án nộp kèm tôi đến UBND xã/phường chứng thực  là hợp lệ.
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trên tay, tôi liên hệ với cơ quan Thi hành án để nộp đơn, thật bất ngờ là cán bộ thụ lý đơn lại không chấp nhận  bản sao có chứng thực Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự mà tôi đã chứng thực tại một phường gần đó, cũng có chút bất ngờ nên tôi có phản ứng với cán bộ nhận đơn rằng : “Đây là bản sao có chứng thực của UBND phường thì nó có giá trị pháp lý sử dụng mà, nếu cần tôi xuất trình bản chính cho chị xem để đối chiếu” vừa nói tôi vừa lấy từ cặp mình ra bản chính của Quyết định để cho cán bộ nhận đơn đối chiếu., tuy nhiên cán bộ nhận đơn lại không đồng ý và hướng dẫn tôi phải liên hệ với Tòa án đã ra Quyết định để Sao y bản chính tại Tòa. Cùng lúc đó thì có 1 người mặc trang phục của Chấp hành viên đi ngang qua nghe thế nên cũng dừng lại, ghé vào và giải thích thêm với tôi là: “Cái này do Tòa án ban hành nên chỉ có Tòa án mới có quyền sao y, UBND phường không có quyền sao y cái này, mà chỉ được quyền sao y các giấy tờ khác thôi”. Thêm đó cán bộ nhận đơn còn nói thêm: “ Không hiểu tại sao phường này cũng chứng thực cái này…?”.
Đến đây thì tôi hiểu được “lệ” ở đây chắc chắn là phải qua Tòa Sao y bản chính mới có thể nộp đơn được nên cũng làm vẻ ngây ngô rồi qua Tòa  yêu cầu họ Sao y để nộp cho xong chứ “cự cãi” thêm mất công.
Sau buổi làm việc tôi đã liên hệ với một số người làm trong các cơ quan tư pháp ở địa phương đó để tìm hiểu nguyên nhân thì đã nhận được câu trả lời là ở đó người ta cho rằng  Bản án, Quyết định của Tòa án là văn bản không được phép phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 3, Điều 16, Nghị định 79/2007/NĐ-CP, tôi càng thấy ngạc nhiên tại sao lại có thể liệt kê Bản án, Quyết định (Dân sự) vào những văn bản không được phép phổ biến trên các phương tiện đại chúng ??? trong khi theo quy định thì việc xét xử và ra bản án là công khai??? Và hàng ngày những tranh chấp dân sự vẫn được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin ầm ầm???, vẫn biết “phép vua thua lệ làng” quy định của pháp luật thì chỉ có một, nhưng cách hiểu và áp dụng thì mỗi nơi trên Đất nước mình lại không giống nhau, người làm về tố tụng ngoài việc am hiểu các quy định của pháp luật còn phải nắm rõ lệ của mỗi địa phương mới có thể thực hiện công việc mình tốt hơn được.

Văn bản có tính chất song ngữ thì UBND cấp xã vẫn có quyền chứng thực.

Trong lúc  ngồi đợi chờ chứng thực tại UBND Phường N, thị xã S.Đ, tỉnh ĐT, có một cô gái đến yêu cầu được chứng thực Bằng Tốt nghiệp Đại học của mình thì được cán bộ chứng thực trả lời là văn bản này có tiếng Anh nên phải lên Phòng tư pháp huyện mới chứng thực được, vậy là cô gái kia phải lên Phòng tư pháp để chứng thực. Sau khi nhận hồ sơ tôi có trao đổi với cán bộ chứng thực: 
-         -  Bằng tốt nghiệp Đại học vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt thì phường mình có quyền chứng thực chứ sao lại không có mà chị bảo người ta lên huyện chứng thực thì hơi mất công cho người ta đó.

-          Ở đây không chứng văn bản có tiếng nước ngoài được, có tiếng nước ngoài là phải lên huyện chứng anh ạ.

-         Ai bảo thế? tôi vẫn đi chứng bình thường mà?

-         Quy định mới là như vậy anh ạ…. 
Đúng là chỉ khổ cho người dân mà thôi, chắc là mấy anh chị cán bộ xã, phường chỉ đọc đến Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP mà lại không đọc hướng dẫn tại điểm c Mục 1, Thông tư  03/2008/TT-BTP : “c) Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: Hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã.
QUYETQUYEN
  

5 comments:

  1. Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 có hiệu lực từ ngày 05/3/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP lại quy định về thẩm quyền chứng thực của Phòng tư pháp cấp huyện như sau:

    a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

    b) Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ.

    c) Chứng thực các việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

    Có thể thấy, hướng dẫn về thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ của hai văn bản nêu trên (Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định 79/2007/NĐ-CP và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008) có sự mâu thuẫn. Trong trường hợp này, việc áp dụng sẽ phải tuân theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do vậy, thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ phải áp dụng quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ. Theo đó, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc về Phòng Tư pháp cấp huyện.

    Đối chiếu với các quy định trên, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không còn thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ nữa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn đã có ý kiến, bạn vui lòng xem kỷ lại quy định của NĐ 04 và TT 01 để thấy sự khác biệt của đối tượng điều chỉnh. (Văn bản song ngữ và Văn bản có TÍNH CHẤT song ngữ). Đồng thời, bạn tham khảo thêm tại địa chỉ:
      http://thongtintuvanphapluat.blogspot.com/2013/10/chung-thuc-ban-sao-tu-ban-chinh-sao-y_15.html

      Delete
  2. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các văn bản khác không được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Nhưng từ thực tế và theo một số văn bản khác thì có một số giấy tờ, văn bản sau không chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như sau:

    1. Bản án của Tòa án:

    Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về việc Cấp trích lục bản án, bản án:

    - Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Toà án cấp trích lục bản án.

    - Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án, Toà án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.

    Với quy định trên thì việc sao bản án được thể hiện dưới hình thức trích lục và được thực hiện bởi cơ quan ra bản án là tòa án. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng việc sao y bản án phải được thực hiện theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản án, hơn nữa quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu trên không quy định rõ, bản án chỉ được trích lục bởi tòa án mà không được chứng thực bản sao từ bản chính. Nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều bàn cãi. Và trên thực tế thì việc sao bản án vẫn được thực hiện bởi tòa án dưới hình thức trích lục.

    2. Hóa đơn, chứng từ tài chính (biên lai thu lệ phí, phí …): Nghị định số 79/2007/NĐ-CP không quy định cụ thể về việc không được chứng thực hóa đơn, chứng từ tài chính nhưng so sánh với các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ …) thì UBND cấp xã và các cơ quan chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP không có thẩm quyền chứng thực những loại giấy tờ này. Việc sao hóa đơn, chứng từ tài chính sẽ do cơ quan phát hành hóa đơn, chứng từ đó thực hiện theo quy định.

    3. Văn bản là bản sao, như: Giấy khai sinh bản sao, giấy đăng ký kết hôn bản sao …. Những loại văn bản này đương nhiên không được chứng thực vì việc sao y phải được thực hiện từ bản chính.

    Trên đây là một số ví dụ về văn bản không được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP. Ngoài ra, có một số văn bản khác đang còn nhiều ý kiến trái ngược về việc có được chứng thực theo thủ tục quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP hay không, như: Hợp đồng, giao dịch dân sự ký kết giữa các cá nhân, tổ chức chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn!
      Về vấn đề sao y bản án thì tôi có ý kiến trao đổi với bạn như sau:
      - Bản án, Quyết định tôi đang đề cập ở đây là bản án, quyết định gốc (bản chính) chứ không phải bản sao hay bản trích lục, vì vậy theo quy định tại Nghị định 79/2009/NĐ-CP thì tôi có quyền yêu cầu UBND xã, phường sao y văn bản này (thực tế tôi đã sao rất nhiều). Trích lục là chỉ khi bản chính của bản án bị mất hoặc là người không được nhận bản án trích lục mà thôi.

      Còn việc bắt buộc phải để Toà án sao y Bản án, Quyết định mà không chấp nhận UB sao y thì không phù hợp.

      Delete
  3. Theo mình thì việc sao y bản sao và bản chính của các giấy tờ thì phải lên chính quyền.
    thành lập văn phòng đại diện tại việt nam | thủ tục nhận con

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!