This is an example of a HTML caption with a link.
Showing posts with label Tư vấn luật dân sự. Show all posts
Showing posts with label Tư vấn luật dân sự. Show all posts

Sunday, December 17, 2017

Ủy quyền khởi kiện - hiểu sao cho đúng

Vừa qua, trên Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh vừa đăng 02 bài viết liên quan đến việc người đại diện theo ủy quyền thực hiện việc khởi kiện và ký đơn khởi kiện, cụ thể là bài đăng với tiêu đề "Thay mặt người đang ở Canada khởi kiện được không?” và bài “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?”. Trong các bài viết trên thì các chuyên gia luật cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau, qua bài viết này tác giả xin chia sẻ những quan điểm của tác giả về vấn đề này cùng Quý độc giả, để quý độc giả có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ủy quyền trong Tố tụng dân sự

Người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là cá nhân (nguyên đơn) không được ký đơn khởi kiện vì luật đã quy định rất rõ ràng.

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

Người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức thì được quyền ký đơn khởi kiện.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì: “3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.” (Đại diện hợp pháp của tổ chức bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền).

Nội dung này, trước đây được Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn rất rõ tại khoản 5, Điều 2, cụ thể như sau: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện vụ án thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi dòng chữ “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.”

Ủy quyền trong giao dịch dân sự

Người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện.

Trong 02 bài báo của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng không thể hiện được sự khác nhau giữa người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự vì vậy dẫn đến việc khó hiểu cho người đọc, đồng thời các chuyên gia đã phân tích vẫn chưa nhận định được sự khác biệt về tư cách của người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự và giao dịch dân sự.

Theo quan điểm của tác giả thì người đại diện theo ủy quyền trong giao dịch dân sự được quyền ký đơn khởi kiện, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong quá trình thực hiện công việc ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền ký đơn, thì họ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn trong vụ án dân sự, chứ không phải là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn. Tác giả xin đưa ra một trường hợp cụ thể để Quý độc giả dễ hình dung:

Ông A ủy quyền cho ông B được toàn quyền, quản lý, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình là Quyền sử dụng đất X, bằng văn bản ủy quyền hợp pháp, sau khi có văn bản ủy quyền hợp pháp thì ông B tiến hành giao dịch với ông C, cụ thể là ông B chuyển nhượng quyền sử dụng đất X cho ông C với giá 300.000.000 đồng, ông B và C thỏa thuận việc thanh toán thành 02 lần, lần 1: 200.000.000 đồng ngay khi ký hợp đồng chuyển nhượng, lần 2 ngay khi việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất được hoàn tất theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hợp đồng thì ông C chỉ thanh toán cho ông B 200.000.000 đồng, đối với  100.000.000 đồng còn lại thì ông C vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, theo quan điểm của tác giả thì trong trường hợp này ông B được quyền ký đơn khởi kiện để kiện ông C, yêu cầu ông C phải thanh toán số tiền 100.000.000 đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng và khi tòa thụ lý vụ án thì ông B là nguyên đơn trong vụ án.

Tác giả hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vụ việc được phản ánh trong bài viết “Người đại diện theo ủy quyền được khởi kiện?” Bởi lẽ người đại diện theo ủy quyền đã được quyền chiếm hữu đối với tài sản đó thì được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền sở hữu của mình khi có hành vi xâm phạm, cụ thể được quy định tại Điều 189 Bộ luật Dân sự 2015 “Điều 185. Bảo vệ việc chiếm hữu
Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại.

Qua bài viết này tác giả hy vọng Quý độc giả có thể hiểu rõ hơn quy định liên quan đến việc ủy quyền và xác định được lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền được quyền khởi kiện, lúc nào thì người đại diện theo ủy quyền không được quyền khởi kiện.
Quyết Quyền

Sunday, May 7, 2017

Chuyện về cái cổng rào - Phường 7, quận Bình Thạnh

Vào ngày 04 tháng 05 năm 2017, tôi và đồng nghiệp là Luật sư Giang Văn Quyết đã đồng hành cùng chị Hồ Thị Hồng Loan để tham gia phiên toà về việc Khiếu nại quyết định hành chính đối với Quyết định của Chủ tịch UBND Phường 7, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định liên quan đến cái cổng rào đã tốn khá nhiều giấy mực của giới báo chí và tốn rất nhiều Quyết định của chủ tịch UBND Phường 7, quận Bình Thạnh, cũng như các cơ quan khác có liên quan. Mặc dù phiên Toà sơ thẩm đang tạm kết thúc và đang chờ nghị án để tuyên án vào ngày 11/5/2017, tuy nhiên những cảm xúc và nhiều điều thú vị liên quan đến phiên toà và cánh cổng rào khiến tôi muốn chia sẻ cùng Quý độc giả.

Để Quý độc giả có thể hình dung được toàn bộ sự việc và đánh giá sự việc một cách khách quan, tôi xin tóm tắt diễn biến sự việc liên quan đến cánh cổng rào nêu trên và vụ kiện như sau:

Hồ Thị Hồng Loan là chủ sở hữu của 02 căn nhà số 5/99/19 và 5/99/19B Nơ Trang Long, Phường 7, quận Bình Thạnh, hai căn nhà nêu trên ở cuối hẻm cụt, gần khu vực bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm năm 2007 do tình hình an ninh của khu vực có nhiều bất ổn, ở khu vực hẻm có nhiều người lạ mặt thường xuyên xuất hiện, gia đình bà Loan có 02 con nhỏ và cha già gần 90 tuổi, do tính chất công việc phải thường xuyên vắng nhà nên bà Hồ Thị Hồng Loan có làm đơn xin xây dựng cổng rào trên phần đất hẻm ở phía trước căn nhà số 5/99/19B, đơn xin xây dựng cổng rào được toàn thể hộ dân trong khu vực ký tên đồng ý và được Phường 7 xem xét trình cho quận nhưng thời điểm này quận không đồng ý cho  gia đình bà Loan xây dựng.
Đơn xây cổng rào
02 Đơn xin phép xây cổng rào của bà Loan
Ngày 29-12-2008 bà Loan tiếp tục có đơn xin xây dựng tạm cổng rào trên phần đất công nêu trên, bà Loan cam kết sẽ tự nguyện tháo dỡ khi Nhà nước có nhu cầu quy hoạch hay mở rộng hẻm và được bà phó chủ tịch Phường 7 thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Lệ xác nhận đồng ý cho bà Loan xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cho gia đình và chỉ được sử dụng chứ không được hợp thức hoá. Sau khi nhận được sự chấp thuận của Phường 7 thì hộ bà Hồng Loan đã tiến hành xây dựng cổng rào có hiện trang như bây giờ.
Hiện trạng cổng rào 
Vào năm 2012 hộ bà Phạm Thị Thu Hà là hàng xóm của bà Hồng Loan có hành vi xây dựng trái phép nên bà Loan có làm đơn gửi cho các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý và kết quả là phần xây dựng trái phép của bà Hà đã bị cơ quan chức năng tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
phần xây dựng trái phép của bà Hà bị đập bỏ năm 2012
Cay cú trước việc một phần diện tích xây dựng của gia đình bị đập bỏ do đơn thư của bà Hồng Loan nên gia đình của bà Hà đã hướng đến việc yêu cầu cơ quan chức năng tháo dỡ cánh cổng rào của gia đình bà Loan. Để thực hiện điều này gia đình bà Hà cũng có nhiều đơn thư phản ảnh đến quận Bình Thạnh về việc UBND Phường 7 chấp thuận cho hộ bà Loan tiến hành xây dựng cổng rào trên đất công là không đúng thẩm quyền của Phường 7, hệ quả của việc này là UBND quận Bình Thạnh đã có công văn 1720/UBND-TTXD yêu cầu UBND Phường 7 thu hồi việc chấp thuận cho Loan dựng cổng rào, thực hiện chỉ đạo này ngày 11/9/2012 UBND Phường 7 đã ban hành công văn số 175/UBND để thu hồi văn bản xác nhận ngày 06/01/2009, đồng thời đề nghị bà Loan tự tháo bỏ phần cổng rào trả lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên bà Loan không đồng ý.

Công văn 175/UBND ban hành nhưng chỉ có giá trị thu hồi lại việc chấp thuận cho bà Loan xây dựng cổng rào, còn đối với việc tháo dỡ cổng rào thì không thể thực hiện được, vì vậy UBND Phường đã xin ý kiến của cơ quan hữu quan để tìm hướng giải quyết và thế là các văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở tư pháp, Sở xây dựng được ban hành, mặc dù các văn bản có một số điểm khác biệt nhưng chung quy lại thì vẫn thống nhất nội dung chính để định hướng cho việc xử lý cánh cổng rào của bà Loan là:

- Xác định việc bà Loan xây dựng cổng rào không phải là hành vi xây dựng không phép, không vi phạm quy định của luật xây dựng, không có hành vi vi phạm hành chính nên không thể giải quyết theo trình tự xử phạt vi phạm hành chính.

- Đối với việc UBND Phường 7 đã thuận cho bà Loan xây dựng cổng rào thì thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, những cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm với tổ chức, trong trường hợp phải tháo dỡ cổng rào thì UBND Phường 7 phải có trách nhiệm bồi thường cho hộ bà Loan.

- Muốn buộc bà Loan tháo dỡ cổng rào thì phải thông qua đơn thư khiếu nại của những cá nhân, tổ chức có liên quan bị ảnh hưởng, đồng thời việc giải quyết khiếu nại phải thực hiện theo đúng trình tự luật định.

Công văn 1592 của sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh

Không rõ gia đình bà Hà có được thông tin của các công văn nêu trên từ đâu hay là do cá nhân nào đó hướng dẫn, ngày 06/10/2014 bà Hà có đơn khiếu nại gửi đến chủ tịch UBND Phường 7 để khiếu nại việc UBND Phường 7 đã chấp thuận cho bà Hồ Thị Hồng Loan xây dựng cổng rào trên phần đất công cộng làm ảnh hưởng đến quyền lợi các hộ xung quan khu vực và gia đình bà Hà, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND Phường 7 trả lời cho bà Hà bằng quyết định giải quyết khiếu nại, ngoài ra đơn không còn yêu cầu nào khác.
Đon khiếu nại của bà Hà
Chủ tịch UBND Phường 7, ngay sau khi nhận được đơn của bà Hà đã thụ lý giải quyết và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại  số 117/QĐ-UBND ngày 5 tháng 8 năm 2014, nội dung chính của Quyết định là chấp nhận nội dung khiếu nại của bà Hà, đồng thời buộc bà Hồ Thị Hồng Loan có trách nhiệm tháo dỡ phần cổng rào trả lại hiện trạng ban đầu là hẻm cung, nếu bà Loan không chấp hành thì sẽ bị tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra trong Quyết định còn có thêm nội dung xác định việc có cổng rào trên đất công khiến mỗi lần gia đình bà Loan chạy ra, vào gây tiếng ồn và xả khói bụi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình bà Hà.





Bà Loan không đồng tình với Quyết định 117 và không thực hiện việc tự tháo dỡ, nên UBND Phường 7 đã ban hành quyết định cưỡng chế, bà Loan ngay sau đó đã khởi kiện ra Toà, trong quá trình giải quyết vụ án thì người bị kiện đã thu hồi quyết định cưỡng chế, người khởi kiện rút đơn khởi kiện nên vụ án đã được đình chỉ.

Mặc dù thu hồi quyết định cưỡng chế nhưng Quyết định số 117 thì chủ tịch UBND Phường 7 vẫn không thu hồi. Bà Loan xác định Quyết định 117 làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bà nên đã khởi kiện tại Toà án nhân dân quận Bình Thạnh trong thời hiệu luật cho phép. Vụ án đang trong quá trình giải quyết thì chủ tịch UBND Phường 7 ban hành Quyết định số 316/QĐ-UBND để điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 117, mặc dù đã có những điều chỉnh nhưng Quyết định số 316 vẫn còn nội dung làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên bà Loan đã có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu Toà án huỷ quyết định 316, ngoài ra còn có yêu cầu bồi thường về vật chất và tinh thần.

Ngày 04/5/2017 Phiên toà sơ thẩm đã được diễn ra sau 01 lần bị hoãn do đơn yêu cầu của người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện.

Xác định vụ án không nặng về giá trị vật chất mà nặng về giá trị danh dự, uy tính của gia đình tôi cùng đồng nghiệp và chị Hồng Loan đã cùng nhau soi xét toàn bộ hồ sơ để chỉ ra những điểm sai của Quyết định 117 và 316.
Sau quá trình thảo luận chúng tôi đã chỉ ra những sai sót sau:

Quy trình thụ lý đơn khiếu nại.

Xét đơn khiếu nại ngày 06 tháng 10 năm 2014 của bà Hà.

Về yêu cầu giải quyết khiếu nại
Đơn khiếu nại của bà Hà mặc dù tiêu đề thể hiện là Đơn khiếu nại nhưng nội dung đơn lại không nêu YÊU CẦU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI là vi phạm quy định tại Điều 8 Luật khiếu nại 2011, yêu cầu giải quyết khiếu nại là vấn đề cốt lõi của đơn khiếu nại, không có yêu cầu thì không thể có cơ sở để thụ lý giải quyết tuy nhiên chủ tịch Phường 7 vẫn thụ lý giải quyết là trái quy định của pháp luật. Ngoài ra tại Phiên Toà bà Hà đã khẳng định với hội đồng xét xử là đơn khiếu nại không phải do bà soạn thảo mà do con gái của bà soạn rồi đưa bà ký, bà không nắm được nội dung của đơn khiếu nại của bà là khiếu nại cái gì, bà chỉ biết ý chí của bà là khiếu nại để yêu cầu tháo dỡ cổng rào của nhà bà Loan.

Về nội dung khiếu nại:
Đơn khiếu nại của bà Hà thể hiện nội dung khiếu nại là khiếu nại hành vi hành chính của UBND Phường 7 đã chấp thuận cho bà Loan xây dựng cổng rào trên đất công cộng. Xét nội dung khiếu nại này của bà Hà là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý bởi lẽ hành vi hành chính của UBND Phường 7 đối với việc chấp thuận cho bà Loan xây dựng cổng rào đã được UBND Phường 7 thu hồi theo công văn số 175/UBND ngày 11/92012(đã viện dẫn ở phần tóm tắt nội dung) vì vậy tại thời điểm bà Hà khiếu nại thì hành vi hành chính đã không còn tồn tại nên không thể thụ lý để giải quyết.

Xét thời hiệu khiếu nại.

Thời điểm bà Hà khiếu nại là ngày 10/6/2014, thời điểm bà Loan được UBND Phường 7 chấp thuận xây dựng cổng rào và bà Loan dựng cổng rào là tháng 01/2009, bà Hà đã biết sự việc này từ năm 2009 nhưng đến 2014 (sau 05 năm) mới có đơn khiếu nại trong khi bà Hà không hề gặp những sự kiện bất khả kháng hay sự kiện khách quan để kéo dài thời hiệu khiếu nại. Theo quy định tại Điều 9 luật khiếu nại 2011 thì thời hiệu khiếu nại lần đầu là 90 ngày kể từ ngày biết được quyết định, hành vi hành chính, chiếu theo quy định nêu trên thì thời hiệu khiếu nại theo đơn khiếu nại của bà Hà đã hết, vì vậy việc Chủ tịch UBND Phường 7 thụ lý đơn là vi phạm quy định tại Khoản 6, Điều 11, Luật khiếu nại 2011.

Xét quy trình giải quyết khiếu nại.

Về quy trình xác minh
Quyết định 117 có thể hiện việc người giải quyết khiếu nại có thành lập tổ xác minh để xác minh nội dung khiếu nại nhưng việc xác minh lại không thực hiện đúng thủ tục và không chính xác, cụ thể là không mời, triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình xác minh, nội dung khiếu nại của bà Hà là khiếu nại hành vi chấp thuận của UBND Phường cho bà Loan xây dựng cổng rào nhưng lại đi xác minh cổng rào là không ăn nhập với nội dung khiếu nại, thậm chí đi xác minh cổng rào cũng không phù hợp với thực tế, cổng rào thực tế có 02 cánh nhưng kết quả xác minh chỉ thể hiện cổng rào 01 cánh!!!

Về tổ chức đối thoại
Quyết định số 117 có thể hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại người khiếu nại có tổ chức đối thoại nhưng không đưa ra được căn cứ để đối thoại vì theo quy định tại Điều 30 Luật khiếu nại thì trong quá trinh giải quyết khiếu nại lần đầu chỉ tổ chức đối thoại khi kết quả xác minh và nội dung khiếu nại có sự khác nhau, tuy nhiên trong quá trình giải quyết khiếu nại của bà Hà thì không thể hiện sự khác nhau giữa nội dung khiếu nại và kết quả xác minh, việc chủ tịch UBND Phường 7 tổ chức đối thoại thể hiện sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật vào quy trình giải quyết khiếu nại.

Xét về nội dung của Quyết định số 117.

Quyết định số 117 không thể hiện yêu cầu giải quyết khiếu nại của người khiếu nại là vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 22, thông tư số 07/2013/TT-TTCP.

Tại mục II của Quyết định 117 thể hiện kết quả xác minh nội dung khiếu nại nhưng bên trong lại không thể hiện rõ kết quả xác minh nội dung khiếu nại liên quan đến nội dung khiếu nại của nguời khiếu nại mà lại nêu nội dung vụ việc và kết luận nội dung khiếu nại có cơ sở là không đúng với mục kết quả xác minh, bởi kết quả xác minh phải là những nội dung mà tổ xác minh đã xác minh được trong quá trình giải quyết khiếu nại nhằm giúp người giải quyết khiếu nại đưa ra kết luận khiếu nại phù hợp chứ không phải là phần kết luận khiếu nại.

Tại mục III của Quyết định 117 thể hiện kết quả đối thoại nhưng lại thể hiện nội dung về ngày giờ tổ chức đối thoại và thành phần tham gia đối thoại là hoàn toàn sai, bởi lẽ kết quả đối thoại chính là những nội dung được làm rõ tại buổi đối thoại, làm cơ sở cho việc đưa ra kết luận giải quyết khiếu nại chứ không phải ghi lại ngày giờ và thành phần tham gia đối thoại.

Tại mục IV của Quyết định thể hiện Kết luận giải quyết khiếu nại tuy nhiên lại không đưa ra căn cứ pháp lý là trái với quy định được hướng dẫn của biểu mẫu số 15, ban hành kèm theo thông tư số 07/2013/TT-TTCP.

Điều 1 của Quyết định 117 không thể hiện việc tiếp tục hay chấm dứt hành vi hành chính đối với hành vi hành chính bị khiếu nại mà lại đi công nhận nội dung khiếu nại là trái với hướng dẫn của biễu mẫu số 15, ban hành kèm theo thông tư số 07/2013/TT-TTCP.

Điều 2 của Quyết định 117 buộc bà Loan phải tháo dỡ cổng rào … là vượt quá nội dung yêu cầu khiếu nại của người khiếu nại.

Điều 3 của Quyết định 117 hướng dẫn cho bà Hà và bà Hồng Loan khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân quận Bình Thạnh là sai, bởi lẽ theo quy định tại Điều 18 Luật Khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 đối với Quyết định 117 là của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, chứ không phải là của UBND quận Bình Thạnh.


Xét Quyết định 316.

Quyết định 316 sửa đổi, điều chỉnh Quyết định 117 về nội dung Quyết định và kết quả xác minh, đây cũng là 01 Quyết định trái pháp luật vì bản thân quy trình giải quyết khiếu nại 117 trái luật nên Quyết định 316 không thể khắc phục được những sai sót trước đó.

Những nội dung nêu trên đã được chúng tôi triển khai và xây dựng bảng danh sách câu hỏi để hỏi người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện tại phiên Toà và bản luận cứ cho người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị kiện, tuy nhiên tại phiên Toà sơ thẩm thì người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện chỉ trả lời một vài câu hỏi ban đầu còn các câu hỏi tiếp theo được đặt ra thì không trả lời, tuy nhiên những câu hỏi vẫn được đặt ra và được thư ký phiên toà thể hiện đầy đủ vào biên bản phiên toà.




Thêm chú thích
Một số câu hỏi của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị kiện chuẩn bị sẵn

Ngoài ra nội dung đáng lưu ý là tại phiên toà Người khởi kiện vẫn khẳng định tại Toà là nếu các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản,quyết định phù hợp với quy định của pháp luật thì xin TỰ NGUYỆN tháo dỡ cổng rào.

Tại phần tranh luận, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện đã nêu bật những sai sót của Quyết định 117 và 316 để thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, phía người bị kiện và người bảo vệ quyền lợi ích của người bị kiện chỉ khẳng định Quyết định 117 và 316 đúng luật nhưng lại không hề phân tích và viện dẫn các căn cứ để thuyết phục hội đồng xét xử.


Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử đã nghị án trong thời gian 45 phút và đã ra Quyết định nghị án kéo dài vì xét thấy thông qua diễn biến phiên toà, nội dung vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần phải cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng, mặc dù trước khi vào nghị án thì vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh phát biểu về nội dung vụ án và đề nghị với hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện với lý do là phần đất bà Hồ Thị Hồng Loan xây cổng rào là thuộc về phần đất công cộng mà không xem xét đánh giá gì về nội dung khiếu nại của bà Hà và quy trình giải quyết khiếu nại của người bị kiện cũng như những vấn đề mà phía người khởi kiện đã nêu lên tại phiên Toà. Tôi xác định việc vị đại diện Viện kiểm sát nhận định về việc bà Loan xây dựng trên đất công trong phần phát biểu quan điểm của mình là không chính xác, bởi lẽ phạm vi giải quyết vụ án là xác định tính hợp pháp của 02 Quyết định hành chính bị khiếu kiện và vấn đề bồi thường thiệt hại vì vậy cần tập trung đánh giá vào 02 Quyết định nêu trên chứ không phải là xét việc cổng rào xây dựng là đúng hay sai, đây là một nội dung khác không liên quan trong vụ án.

Hiện tại vẫn đang trong thời gian Hội đồng xét xử nghị án, chúng tôi sẽ cập nhật kết quả giải quyết vụ án ngay sau khi có kết quả chính thức, kính mong quý vị độc giả quan tâm theo dõi.

Một số điểm đặc biệt tại phiên toà

Dù chỉ là một phiên toà hành chính nhỏ, tuy nhiên rất nhiều người dân phường 7 và một số người quan tâm đến tham dự phiên toà để ủng hộ người khởi kiện với số lượng rất đông, khiến bảo vệ Toà án phải kéo thêm 03 băng ghế dài để đảm bảo cho người xem phiên Toà. 
Phía người bị kiện có mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, điều mà chúng ta khó để nhìn thấy trong các phiên toà xử án hành chính, đặc biệt tại phiên Toà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện lại đứng dậy để trả lời thay câu hỏi cho phía người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - bà Hà (tuy nhiên ngay lập tức đã chịu sự phản đối của phía người khởi kiện và chủ toạ phiên Toà).
Người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện là nữ phó chủ tịch Phường, có trình độ cử nhân luật nhưng không trả lời câu hỏi của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện và những người tham gia tố tụng khác và có thái độ không chuẩn mực tại phiên toà trước sự chứng kiến của cơ quan báo chí và nhiều người dân phường 7, thậm chí khi hỏi phần bút tích của bà ấy khi bà ấy còn là cán bộ địa chính, tham mưu cho lãnh đạo chấp thuận cho bà Loan dựng cổng rào thì bà ấy cũng không nhận.
Vị đại diện viện kiểm sát khi phát biểu quan điểm của mình lại sử dụng văn bản chuẩn bị sẵn và có dấu giáp lai trong nội dung bài phát biểu trước sự ngỡ ngàng của nhiều người tham dự phiên Toà, để có người phải thốt lên "cầm đọc vậy thì án bỏ túi rồi chứ còn gì nữa".
Trân trọng.
Quyết Quyền

Sunday, June 21, 2015

Họ, hụi, biêu, phường và những quy định của pháp luật bạn cần biết

Hụi là gì ?
Hụi (hay còn gọi là “họ”) là một hình thức huy động vốn theo kiểu quan hệ vay mượn tài sản/tiền trước rồi trả sau - giữa một nhóm người với nhau. Chơi hụi khá phổ biến trong đời sống người Việt và đã có từ rất lâu. Không hiểu vì sao và từ bao giờ, người ta hay nói là “chơi” hụi. Tất cả những người tham gia chơi hụi với nhau sẽ tập hợp thành một “dây hụi”, mỗi thành viên là một “hụi viên”, người đứng ra tổ chức, điều hành, quản lý và thu tiền gọi là “chủ hụi”.Mặc dù có thể có sự khác biệt đôi chút mô hình và hình thức chơi hụi, nhưng về cơ bản, có thể mô tả về mô hình một dây hụi như sau:Giả sử có 10 người là ông Một, bà Hai, ông Ba, bà Bốn … và 10 người này cùng tham gia chơi hụi với nhau, tạo thành một dây hụi.

Sau mỗi một chu kỳ cố định về thời gian ( thường là tháng hoặc tuần, có khi là ngày), chẳng hạn là đầu tháng, những người chơi hụi sẽ có nghĩa vụ đóng tiền ( gọi là tiền hụi) cho người chủ hụi.
Bài viết liên quan: 
Khởi kiện vụ án dân sự những điều cần biết
Số tiền đóng hụi là bao nhiêu do các hụi viên thống nhất từ trước khi chơi. Chẳng hạn là mỗi tháng đóng 1 triệu đồng. Khi đó, dây hụi này sẽ là “hụi tháng, 1 triệu đồng”. Với 10 người tham gia như trên, mỗi tháng chủ hụi sẽ thu vào được 10 triệu đồng. Thời gian đóng tiền sẽ là 10 tháng – tương ứng với 10 người. Mỗi tháng, số tiền hụi thu vào sẽ giao cho một người - gọi là người “hốt hụi” trong tháng. Những người đã hốt hụi xong thì trở thành “hụi chết”.Và sẽ lần lượt từng người hốt hụi cho đến khi tất cả đều hốt hụi xong. Khi đó xem như kết thúc cuộc “chơi hụi”.

Ví dụ: 10 người nói trên, tháng thứ nhất ông Một là người hốt hụi. Như vậy, ông Một sẽ nhận 10 triệu đồng ( trong đó có 1 triệu đồng do chính mình góp và 9 triệu đồng do các thành viên còn lại đóng vào). Qua tháng 2, bà Hai là người hốt hụi, cũng sẽ nhận 10 triệu đồng ...vv.
Nếu quan sát kỹ trường hợp ông Một sẽ thấy như nhau: khi tham gia vào dây hụi, dù chỉ bỏ ra 1 triệu đồng ở tháng thứ nhất, nhưng ông đã được nhận ngay 10 triệu đồng. Số tiền 10 triệu đồng này có thể xem như ông đã “vay” trước của những người còn lại trong dây hụi. Sau đó hàng tháng ông đóng “hụi chết” 1 triệu đồng, đóng đủ 9 tháng và xem như đang “trả góp” cho 9 người kia số tiền mà mình đã vay (khi hốt hụi).
Ví dụ như trên là dạng “đơn giản hóa” để dễ hình dung. Thực tế không hẳn là cứ tới đầu tháng thì ai cũng phải đóng 1 triệu đồng, mà sẽ căn cứ vào kết quả “khui hụi” (hay còn gọi là “mở hụi” hàng tháng.
Vậy khu hụi là thế nào ? Vào mỗi kỳ đóng tiền hàng tháng, người chủ hụi sẽ tiến hành việc “khui hụi” bằng cách mời các hụi viên chưa hốt hụi tham gia “bỏ hụi” – giống như hình thức một cuộc đấu giá vậy. Hụi viên nào muốn có tiền (hốt hụi) trong tháng đó thì sẽ tham gia vào việc đấu giá về tiền lãi. Người nào đưa ra giá bỏ hụi cao nhất sẽ được xem là thắng và có quyền hốt hụi tháng đó.
Theo ví dụ trên, giả sử tới tháng thứ năm, ông Bảy và bà Tám đều muốn hốt hụi nên cùng tham gia bỏ hụi. Ông Bảy ghi vào tờ phiếu của mình là “50 ngàn đồng”, còn bà Tám ghi “60 ngàn đồng”. Khi người chủ hụi mở hai tờ phiếu, thấy tờ phiếu của bà Tám ghi số tiền cao hơn. Như vậy, bà Tám là người thắng, được hốt hụi trong tháng đó.
Khi đó, vì bà Tám ghi “60 ngàn đồng”, nên xem như bà Tám phải trả số tiền này cho các hụi viên chưa hốt hụi còn lại. Vì đây là tháng thứ năm, nên đã có 5 hụi viên hốt hụi, còn lại 5 người “hụi sống”. Bà Tám sẽ phải trả thay cho 5 người này - mỗi người 60 ngàn đồng. Tức là thay vì phải đóng đủ 1 triệu đồng, thì 5 người này sẽ chỉ phải đóng 940.000 đồng. Số tiền 60 ngàn đồng chính là số tiền lời của những người chưa hốt hụi.
Như vậy, có thể thấy người nào càng chậm hốt hụi thì sẽ càng có nhiều tiền lời, càng được lợi. Trong khi đó, những người hốt hụi trước thì sẽ không được tiền lời, mà sẽ phải đóng “hụi chết” mỗi tháng, tức đóng đủ 1 triệu đồng.
Việc chơi hụi như trên có thể nói là khá phổ biến trong cả nước, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM, lan cả vào các cơ quan, doanh nghiệp.
Trên thực tế, có nhiều người thậm chí sống bằng nghề làm chủ hụi – kiếm tiền từ số tiền lời - còn gọi là “tiền thảo”, “tiền sâu” - được trích ra từ tiền bỏ hụi của các hụi viên trong tháng. Số “tiền thảo” thường có giá trị bằng khoảng 50% số tiền lãi mà hụi viên bỏ hụi phải trả trong kỳ. Chẳng hạn như ở ví dụ trên, số tiền 60 ngàn đồng thực chất sẽ được chia cho người chủ hụi hưởng 30 ngàn đồng.
Có lợi, nhưng cũng rất rủi ro


Qua mô hình chơi hụi như ở trên, nếu nhìn theo phương diện tích cực, có thể nói về bản chất việc chơi hụi khá hay, tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn vay từ những người cùng tham gia, thay vì phải đi vay của ngân hàng, lại không cần thủ tục phiền phức gì cả. Hình thức góp, trả cũng đơn giản, nhẹ nhàng, thuận tiện.
Bản thân tôi cũng đã từng chơi hụi và nhờ chơi hụi (chơi một lúc 2 dây hụi khác nhau) mà tôi có điều kiện huy động được một số tiền kha khá, để … xây nhà (cấp 4)!
Tuy nhiên, có thể khẳng định là chơi hụi có tính rủi ro rất cao. Thậm chí rất rất cao – nếu rơi vào các trường hợp như phân tích dưới đây.
Trước hết, có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm. ( Hãy hình dung Ngân hàng chỉ cho vay vài chục triệu đồng đã đòi thế chấp nhà, giữ bản chính giấy tờ nhà).
Dây hụi thực chất là một “vòng dây xích” hình tròn, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích bị đứt (không đóng tiền hụi) thì sợi dây xích sẽ bị đứt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người chưa hốt hụi. Ràng buộc đến trách nhiệm của người chủ hụi…vv. Trường hợp như vậy người ta vẫn hay gọi là “bể hụi”.
Hãy hình dung dây hụi nêu ở ví dụ trên, chẳng hạn đến tháng thứ ba, bất ngờ một hụi viên không còn khả năng đóng hụi nữa. Khi đó, dây hụi chỉ còn có 9 người đóng tiền, nên thay vì thu được 10 triệu đồng thì sẽ chỉ còn 9 triệu đồng. Việc thiếu 1 triệu này sẽ giải quyết thế nào ? Mà về nguyên tắc là phải bù vào. Nhưng lấy tiền ở đâu, lấy của ai mà bù vào đây? Qua các tháng sau, dây dụi sẽ tiếp tục bị thiếu 1 triệu đồng. Chỉ cần các thành viên chơi hụi khác biết được, và/hoặc người hụi viên khó khăn “bỏ trốn” chẳng hạn, thì khi đó mọi người sẽ có cảm giác vô cùng náo loạn, mất bình tĩnh.
Tâm lý đó sẽ “lây nhiễm” qua những người khác, làm cho mọi người đều cảm thấy không an tâm để tiếp tục đóng tiền vào dây hụi, vì sợ rủi ro. Lúc này sẽ dẫn đến cảnh người chủ hụi hoặc là phải đến nhà hụi viên dùng “biện pháp mạnh” để đòi tiền (tiền đóng hụi) hoặc chính người chủ hụi phải tự bỏ tiền túi ra đóng thay cho con hụi để duy trì dây hụi (nhưng khả năng này hầu như là rất thấp và chỉ đối với số tiền nhỏ) hoặc là chủ hụi phải … bỏ trốn !
Nhưng rủi ro không phải chỉ có vậy. Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức mà những người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi, thật giả lẫn lộn. Không loại trừ khả năng người chủ hụi, vì mục đích xấu, đã làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi. Chẳng hạn có 10 người chơi thì nói là 20 người, số tiền đóng là 1 triệu/tháng thì nói là 3 triệu/tháng, giấy tờ sổ sách không rõ ràng, sau khi thu tiền, thay vì giao cho người hốt hụi trong tháng thì thực sự … không có ai cả. Sau khi gom tiền được vài tháng, chủ hụi … hô biến.
Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo hoặc sự nhẹ dạ, chủ quan của chính mình. Mà việc giải quyết tranh chấp thì không hề đơn giản, giấy tờ chứng cứ mơ hồ ( nhiều khi người chơi hụi không có đến 1 tấc giấy trong tay !).

Pháp luật không cấm chơi hụi

Việc tham gia chơi hụi thực chất là một loại giao dịch dân sự (quan hệ vay mượn tiền theo thỏa thuận) giữa các cá nhân với nhau.


Năm 2005, Bộ luật Dân sự được bổ sung sửa đổi đã lần đầu tiên có quy định về hoạt động chơi hụi. Theo đó, việc chơi hụi được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
1. Hụi ( hay còn gọi là họ, biêu, phường) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Hình thức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Cuối năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006 quy định rõ hơn về các nguyên tắc và điều kiện tổ chức chơi hụi được xem là hợp pháp.
Như vậy, chơi hụi không bị cấm, không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, mọi người có thể và có quyền chơi hụi để có được lợi ích cho mình.
Tuy nhiên, chính vì việc chơi hụi có tính rủi ro rất cao, nên tốt nhất là chỉ nên chơi hụi khi bảo đảm tính an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật quy định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro/hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trên thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp nhà tan cửa nát, các vụ giật hụi, bể hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ hay thậm chí hàng chục tỷ đồng đồng. Đó là những bài học kinh nghiệm và nhãn tiền mà mọi người cần lưu ý, trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không.

Chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn

Hụi an toàn, nói một cách đơn giản, là không tiềm ẩn hay có các yếu tố rủi ro, mờ ám như đã nói ở trên. Hoặc là phải có cách làm rõ, khắc phục và hạn chế những yếu tố rủi ro đó.
Trước hết, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ quy định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi.
Và, người chơi hụi cần lưu ý những điều sau:
- Chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà to cửa rộng… Mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ hụi.

- Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu, nguồn thu nhập như thế nào, phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Nên nhớ có không ít trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng hụi nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi hụi khác.
- Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp … - tóm lại là như một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên…. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi…
- Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ …vv. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để biết rõ hơn quy định của pháp luật liên quan đến việc chơi hụi, xin mời quí vị xem thêm bài viết giới thiệu về Nghị định 144/2006 với tên gọi “Quy định về việc chơi hụi”, có thể xem như là phần tiếp theo của bài viết này.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Theo: http://ecolaw1.blogspot.com/

Thursday, June 18, 2015

Cơ quan thi hành án dân sự không hiểu Luật thi hành án dân sự?

Câu chuyện mà tác giả muốn chia sẻ với Quý độc giả là một câu chuyện có thật liên quan đến việc Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự lúng túng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong khi những quy định của pháp luật liên quan đã quy định rõ ràng.
Bài viết liên quan:
>>> Công lý đã được thực thi
Sự việc bắt đầu từ tranh chấp hợp đồng vay tiền của ông Hà Ngọc S đối với bà Hồ Thị M, cụ thể bà M có cho ông S vay số tiền 50.000.000 đồng với thời hạn 30 ngày nhưng khi hết thời hạn vay ông S không trả cho bà M, vì vậy bà M đã khởi kiện ông S ra Tòa án nhân dân thành phố V để yêu cầu ông S trả tiền theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho việc thi hành án, cùng với việc làm đơn khởi kiện thì bà S đã làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với yêu cầu cụ thể là yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" theo quy định tại khoản 11, Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện cũng như đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà M, thì Tòa án nhân dân thành phố V đã thông báo cho bà M thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí và tiền bảo đảm để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định. (Trong vụ án này tác giả là người nhận đại diện theo ủy quyền của bà M để tham gia tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án)

Ngày 15 tháng 6 năm 2015, Tòa án nhân dân thành phố V đã có Quyết định số 885/QĐBPKCTA để phong tỏa tài sản là quyền sử dụng đất của ông S, ngay sau khi ban hành Tòa án đã chuyển Quyết định sang cho Chi cục thi hành án dân sự thành phố V để tiến hành thi hành án theo quy định của pháp luật. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu Chi cục thi hành án dân sự áp dụng các quy định của Luật thi hành án dân sự 2008 để ra Quyết định thi hành án dân sự theo quy định. Tuy nhiên, chi cục thi hành án dân sự thành phố V không ra Quyết định thi hành án mà ngay trong ngày 16/6/2015 chi cục thi hành án đã có công văn số 388/CCTHADS-GT để yêu cầu Tòa án giải thích Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Trong công văn yêu cầu Tòa án giải thích thì chi cục thi hành án lý luận: Thủ tục thi hành án dân sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại điểm d khoản 1, Điều 130 Luật thi hành án dân sự 2008, có quy định về việc "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" nhưng không nêu bằng biện pháp cụ thể nào nên chi cục thi hành án dân sự thành phố V không thể ra Quyết định thi hành án. Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 23 Luật thi hành án dân sự 2008, chi cục thi hành án dân sự thành phố V yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố V có văn bản giải thích việc "phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" là bằng biện pháp nào để chi cục thi hành án dân sự thành phố V làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Công văn 388 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V

Sau khi nhận được công văn yêu cầu giải thích của thi hành án, Tòa án nhân dân thành phố V đã mời tác giả đến để làm việc. Tác giả thật bất ngờ khi xem công văn 388 của chi cục thi hành án thành phố V. Qua trao đổi với Phó Chánh án của Tòa thành phố V thì tác giả cũng được biết đây là lần đầu tiên ở Tòa thành phố V áp dụng biện pháp này nên cũng lúng túng trước công văn của cơ quan thi hành án. Cầm trên tay cuốn luật thi hành án dân sự 2008, Phó Chánh án Tòa V trao đổi và yêu cầu tác giả chọn biện pháp cụ thể theo nội dung công văn 388 của cơ quan thi hành án. 

Tác giả đã phân tích quy định tại điểm d khoản 1, Điều 30 Luật thi hành án dân sự, điều luật quy định cụ thể "Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ;"

Điều đó chứng tỏ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" thì luật quy định cơ quan thi hành án được quyền áp dụng các biện pháp Phong tỏa tài khoản;Tạm giữ tài sản, giấy tờ;Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản;Việc áp dụng biện pháp cụ thể nào là tùy vào loại tài sản bị áp dụng theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. 

Theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 885 của Tòa thì tài sản yêu cầu phong tỏa là Quyền sử đất như vậy rõ ràng biện pháp để áp dụng phải là Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản, đó là điều mà chi cục thi hành án dân sự cần phải hiểu để áp dụng chứ không cần phải có sự giải thích của Tòa án hay là yêu cầu của đương sự thì cơ quan thi hành án mới có quyền thực hiện. Tuy nhiên, không rõ vì sợ trách nhiệm hay là không hiểu mà chi cục thi hành án dân sự thành phố V đã có công văn yêu cầu giải thích như trên?

Qua một lúc làm việc tác giả đã có văn bản yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cụ thể là Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản để Tòa án có cơ sở làm công văn gửi cho cơ quan thi hành án để cơ quan thi hành án sớm ra Quyết định thi hành án và cũng giúp Phó Chánh án Tòa V giải tỏa những căng thẳng của mình.

Sự việc không quá phải là phức tạp, giá trị tranh chấp trong vụ án không phải là lớn, tuy nhiên qua sự việc đó cũng đã giúp tác giả có thêm kinh nghiệm trong quá trình hành nghề của mình. Bên cạnh đó nhờ sự việc này mà tác giả phát hiện một lỗ hổng trong quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 (kể cả luật đã được sửa đổi bổ sung năm 2014 và hiệu lực từ ngày 01/7/2015) cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì “trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” mà không quy định về thời hạn cụ thể đối với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như vậy nếu áp dụng theo đúng quy định tại Điều 130 và Điều 69 luật thi hành án dân sự thì thời hạn để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với biện pháp này chỉ là 15 ngày? Điều đó là không phù hợp với thời hạn chuẩn bị xét xử của Bộ luật Tố tụng Dân sự và không bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu trong vụ án. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên sớm có văn bản hướng dẫn hoặc có tờ trình để sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Quyết Quyền

Friday, June 5, 2015

Tranh chấp quyền sử dụng đất - Ai giải quyết?

(Pháp luật) - Cho rằng hàng xóm lấn chiếm hơn 83 m2 đất của mình, đầu tháng 4-2015, bà N. đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang) buộc vợ chồng bà T. phải tháo dỡ toàn bộ hàng rào trụ xi măng trên phần đất đó để trả lại đất cho bà.
Ngoài ra, bà N. còn yêu cầu vợ chồng bà T. phải bồi thường 2 triệu đồng do có hành vi chặt cây, phá rào tôn, phá trụ xi măng mà bà đã trồng, đã dựng trên phần đất trên.
Huyện trả đơn, tỉnh nói không cần hòa giải
Sau khi xem xét, TAND huyện Cái Bè cho rằng đây là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà N. và vợ chồng bà T. Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, tranh chấp này phải được hòa giải ở UBND cấp xã (nơi có đất tranh chấp) trước khi bà N. nộp đơn khởi kiện ra tòa. Ở đây hai bên đương sự chưa qua thủ tục hòa giải ở UBND xã nên vụ án chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Từ đó ngày 6-4, TAND huyện Cái Bè đã ra thông báo trả lại đơn khởi kiện cho bà N.
Bà N. khiếu nại nhưng chánh án TAND huyện Cái Bè đã bác đơn, ra quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn kiện. Theo chánh án TAND huyện, để xem xét yêu cầu khởi kiện của bà, trước hết tòa cần phải xác định ai có quyền sử dụng đất tranh chấp rồi mới xem xét các yêu cầu tiếp theo như có tháo dỡ vật kiến trúc trên đất hay không, có trả lại đất hay không… Do vậy, tranh chấp này bắt buộc phải được hòa giải ở UBND xã theo Điều 202 Luật Đất đai 2013 và điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Bà N. khiếu nại tiếp tới chánh án TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu hủy quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện của chánh án TAND huyện Cái Bè. Ngày 23-4, chánh án TAND tỉnh này đã chấp nhận khiếu nại của bà N. Theo chánh án TAND tỉnh, đây chỉ là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012 thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Quy định ra sao?
Theo điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.
Trong khi đó, theo điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là tranh chấp như về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất…
Với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất, phải tiến hành hòa giải ở UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp trước khi đương sự nộp đơn khởi kiện ra tòa (điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012). Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì không phải tiến hành thủ tục này (điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012).
Trở lại vụ việc trên, luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét đúng ra các tòa phải xác minh kỹ hơn trước khi ra quyết định. Bởi lẽ từ vụ việc của bà N. sẽ có hai tình huống được đặt ra: Nếu bà N. đã có căn cứ chứng minh hơn 83 m2 đất bị lấn chiếm thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình (đất đã được cấp giấy đỏ, có các giấy tờ khác theo quy định hoặc vợ chồng bà T. thừa nhận…) và chỉ yêu cầu tòa buộc vợ chồng bà T. tháo dỡ toàn bộ hàng rào trụ xi măng trên phần đất lấn chiếm, bồi thường tài sản đã bị chặt phá thì thuộc trường hợp tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện.
Tuy nhiên, nếu phần đất này chưa có căn cứ xác định ai là người được quyền sử dụng hợp pháp và nay nhờ tòa xác định thì về bản chất, vụ việc này thuộc trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất. Lúc này, các bên phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã trước khi tòa án giải quyết vụ án.
“Tòa huyện đúng”
Cá nhân tôi vẫn nghiêng về quan điểm của TAND huyện Cái Bè bởi nếu bà N. chỉ dừng lại ở việc yêu cầu vợ chồng người hàng xóm tháo dỡ hàng rào trụ xi măng, bồi thường thiệt hại do có hành vi chặt cây, phá rào tôn, phá trụ xi măng bà N. đã trồng, đã dựng trên đất thì đó chỉ là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ở đây bà N. còn cho rằng vợ chồng người hàng xóm đã lấn chiếm phần đất này của bà và yêu cầu tòa buộc họ trả lại. Như vậy, muốn giải quyết các yêu cầu khởi kiện của bà N. một cách có căn cứ, hợp pháp thì bắt buộc trước hết tòa phải xác định ai có quyền sử dụng phần đất đó.
Do trong tranh chấp của bà N. có phần cơ bản là tranh chấp về quyền sử dụng đất như đã phân tích ở trên nên bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại UBND xã trước khi khởi kiện ra tòa.
Luật sư CHÂU QUÝ QUỐC, Đoàn Luật sư TP.HCM
(Theo Phapluattp.vn)

Theo tác giả thì đối với những loại việc như trên bà N có quyền yêu cầu chủ tịch UBND xã hoặc UBND huyện để xử phạt hành chính (tùy theo loại đất bị lấn chiếm, nếu đất bị lấn chiếm là đất ở thì thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND huyện) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP Luật Đất đai năm 2013 nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà N được cấp đã thể hiện rõ vị trí và diện tích sử dụng, nếu người lấn đất bà N không tự nguyện tháo dỡ để thi hành thì người đã ra Quyết định hành chính có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính. Chỉ đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bà N có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.Dân mình vẫn có thói quen hễ có tranh chấp là cứ kéo nhau ra Tòa mà không biết có những trường hợp vẫn có quyền yêu cầu cơ quan hành chính xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của người khác.



Thursday, June 4, 2015

Xử ly hôn vắng mặt cả vợ lẫn chồng được không?

đơn phương xin ly hôn
(Pháp luật)- Từ nước ngoài, người chồng gửi đơn xin ly hôn, xin tòa giải quyết vắng mặt, người vợ thì không chịu đến dù tòa triệu tập nhiều lần. Tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án hay vẫn mở phiên xử vắng mặt hai người?
Trước đây, ông T. đăng ký kết hôn với bà H. và được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận. Sau đó, ông T. định cư ở nước ngoài, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thất nghiệp. Vì vậy, ông đã không thể chu cấp tiền bạc cho vợ và cũng không đủ các điều kiện bảo lãnh vợ sang đoàn tụ gia đình.