This is an example of a HTML caption with a link.

Thursday, June 18, 2015

Cơ quan thi hành án dân sự không hiểu Luật thi hành án dân sự?

Câu chuyện mà tác giả muốn chia sẻ với Quý độc giả là một câu chuyện có thật liên quan đến việc Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự lúng túng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong khi những quy định của pháp luật liên quan đã quy định rõ ràng.
Bài viết liên quan:
>>> Công lý đã được thực thi
Sự việc bắt đầu từ tranh chấp hợp đồng vay tiền của ông Hà Ngọc S đối với bà Hồ Thị M, cụ thể bà M có cho ông S vay số tiền 50.000.000 đồng với thời hạn 30 ngày nhưng khi hết thời hạn vay ông S không trả cho bà M, vì vậy bà M đã khởi kiện ông S ra Tòa án nhân dân thành phố V để yêu cầu ông S trả tiền theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho việc thi hành án, cùng với việc làm đơn khởi kiện thì bà S đã làm đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với yêu cầu cụ thể là yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" theo quy định tại khoản 11, Điều 102 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện cũng như đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà M, thì Tòa án nhân dân thành phố V đã thông báo cho bà M thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí và tiền bảo đảm để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định. (Trong vụ án này tác giả là người nhận đại diện theo ủy quyền của bà M để tham gia tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án)

Ngày 15 tháng 6 năm 2015, Tòa án nhân dân thành phố V đã có Quyết định số 885/QĐBPKCTA để phong tỏa tài sản là quyền sử dụng đất của ông S, ngay sau khi ban hành Tòa án đã chuyển Quyết định sang cho Chi cục thi hành án dân sự thành phố V để tiến hành thi hành án theo quy định của pháp luật. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu Chi cục thi hành án dân sự áp dụng các quy định của Luật thi hành án dân sự 2008 để ra Quyết định thi hành án dân sự theo quy định. Tuy nhiên, chi cục thi hành án dân sự thành phố V không ra Quyết định thi hành án mà ngay trong ngày 16/6/2015 chi cục thi hành án đã có công văn số 388/CCTHADS-GT để yêu cầu Tòa án giải thích Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án.

Trong công văn yêu cầu Tòa án giải thích thì chi cục thi hành án lý luận: Thủ tục thi hành án dân sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại điểm d khoản 1, Điều 130 Luật thi hành án dân sự 2008, có quy định về việc "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" nhưng không nêu bằng biện pháp cụ thể nào nên chi cục thi hành án dân sự thành phố V không thể ra Quyết định thi hành án. Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 23 Luật thi hành án dân sự 2008, chi cục thi hành án dân sự thành phố V yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố V có văn bản giải thích việc "phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" là bằng biện pháp nào để chi cục thi hành án dân sự thành phố V làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Công văn 388 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V

Sau khi nhận được công văn yêu cầu giải thích của thi hành án, Tòa án nhân dân thành phố V đã mời tác giả đến để làm việc. Tác giả thật bất ngờ khi xem công văn 388 của chi cục thi hành án thành phố V. Qua trao đổi với Phó Chánh án của Tòa thành phố V thì tác giả cũng được biết đây là lần đầu tiên ở Tòa thành phố V áp dụng biện pháp này nên cũng lúng túng trước công văn của cơ quan thi hành án. Cầm trên tay cuốn luật thi hành án dân sự 2008, Phó Chánh án Tòa V trao đổi và yêu cầu tác giả chọn biện pháp cụ thể theo nội dung công văn 388 của cơ quan thi hành án. 

Tác giả đã phân tích quy định tại điểm d khoản 1, Điều 30 Luật thi hành án dân sự, điều luật quy định cụ thể "Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ;"

Điều đó chứng tỏ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là "Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ" thì luật quy định cơ quan thi hành án được quyền áp dụng các biện pháp Phong tỏa tài khoản;Tạm giữ tài sản, giấy tờ;Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản;Việc áp dụng biện pháp cụ thể nào là tùy vào loại tài sản bị áp dụng theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. 

Theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 885 của Tòa thì tài sản yêu cầu phong tỏa là Quyền sử đất như vậy rõ ràng biện pháp để áp dụng phải là Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản, đó là điều mà chi cục thi hành án dân sự cần phải hiểu để áp dụng chứ không cần phải có sự giải thích của Tòa án hay là yêu cầu của đương sự thì cơ quan thi hành án mới có quyền thực hiện. Tuy nhiên, không rõ vì sợ trách nhiệm hay là không hiểu mà chi cục thi hành án dân sự thành phố V đã có công văn yêu cầu giải thích như trên?

Qua một lúc làm việc tác giả đã có văn bản yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cụ thể là Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản để Tòa án có cơ sở làm công văn gửi cho cơ quan thi hành án để cơ quan thi hành án sớm ra Quyết định thi hành án và cũng giúp Phó Chánh án Tòa V giải tỏa những căng thẳng của mình.

Sự việc không quá phải là phức tạp, giá trị tranh chấp trong vụ án không phải là lớn, tuy nhiên qua sự việc đó cũng đã giúp tác giả có thêm kinh nghiệm trong quá trình hành nghề của mình. Bên cạnh đó nhờ sự việc này mà tác giả phát hiện một lỗ hổng trong quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 (kể cả luật đã được sửa đổi bổ sung năm 2014 và hiệu lực từ ngày 01/7/2015) cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì “trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” mà không quy định về thời hạn cụ thể đối với trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như vậy nếu áp dụng theo đúng quy định tại Điều 130 và Điều 69 luật thi hành án dân sự thì thời hạn để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với biện pháp này chỉ là 15 ngày? Điều đó là không phù hợp với thời hạn chuẩn bị xét xử của Bộ luật Tố tụng Dân sự và không bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu trong vụ án. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền nên sớm có văn bản hướng dẫn hoặc có tờ trình để sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Quyết Quyền

1 comment:

  1. Kho tàng pháp luật Việt Nam:
    - Hỏi đáp, hỗ trợ pháp luật trong và ngoài nước
    - Tra cứu văn bản pháp luật
    - Hướng dẫn thủ tục hành chính
    - Liên hệ để gửi yêu cầu
    Pháp luật trong tầm tay bạn

    Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp trong thời gian sớm nhất.
    Trân trọng./.

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!