This is an example of a HTML caption with a link.

Thursday, June 4, 2015

Xử ly hôn vắng mặt cả vợ lẫn chồng được không?

đơn phương xin ly hôn
(Pháp luật)- Từ nước ngoài, người chồng gửi đơn xin ly hôn, xin tòa giải quyết vắng mặt, người vợ thì không chịu đến dù tòa triệu tập nhiều lần. Tòa phải đình chỉ giải quyết vụ án hay vẫn mở phiên xử vắng mặt hai người?
Trước đây, ông T. đăng ký kết hôn với bà H. và được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận. Sau đó, ông T. định cư ở nước ngoài, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thất nghiệp. Vì vậy, ông đã không thể chu cấp tiền bạc cho vợ và cũng không đủ các điều kiện bảo lãnh vợ sang đoàn tụ gia đình.
Phiên tòa vắng cả hai đương sự
Từ nước ngoài, ông T. đã gửi đơn nhờ người thân mang đến TAND tỉnh Khánh Hòa để xin ly hôn. Trong đơn, ông chỉ nêu một yêu cầu là xin tòa cho ly hôn, còn các vấn đề khác như con chung, tài sản chung, nợ chung của hai vợ chồng đều không có nên không đề nghị tòa giải quyết.
Tòa đã liên lạc, triệu tập ông T. về nước tham gia tố tụng. Tuy nhiên, ông T. cho biết do điều kiện khó khăn, ông không thể về nước để tham gia vụ án nên xin tòa cứ giải quyết vắng mặt ông. Các thủ tục ban đầu như đóng tiền tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý… đều do người thân của ông ở trong nước đi làm thay.
Về phía bà H., dù tòa đã rất nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng bà vẫn không đến tòa để tham gia vụ án. Nguyên đơn không về nước, bị đơn không chịu đến tòa, mọi thủ tục như lấy lời khai, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ, hòa giải… đều không thể thực hiện.
Cuối cùng, tòa ra quyết định mở phiên xử vắng mặt cả hai vợ chồng, tuyên bác yêu cầu xin ly hôn của ông T. vì không có gì chứng minh là tình trạng của hai người đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài... Bản án này sau đó đã có hiệu lực pháp luật.
Hai luồng quan điểm
Về mặt pháp lý, luật sư Châu Quý Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết khoản 1 Điều 202 BLTTDS quy định tòa vẫn xét xử vụ án trong trường hợp “nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt”.
Tuy nhiên, điều luật này chỉ cho phép tòa xử vắng mặt đương sự khi họ có đơn xin vắng mặt. Còn việc đương sự xin được vắng mặt từ đầu đến cuối trong quá trình giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì luật lại chưa nói rõ. Mặt khác, đây là án hôn nhân - gia đình, ông T. phải tự mình giải quyết chứ không thể ủy quyền cho ai giải quyết thay các vấn đề liên quan đến nhân thân như ly hôn. Việc ông T. (và cả bà H.) không có mặt trong suốt quá trình tòa giải quyết án mà tòa vẫn mở phiên xử là vi phạm tố tụng bởi ảnh hưởng đến việc tòa thực hiện các thủ tục bắt buộc trước đó như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp chứng cứ, hòa giải…
Đồng tình, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) cũng cho rằng trong trường hợp này, tòa không được mở phiên xử mà phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói đúng là theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLTTDS thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, giai đoạn nộp đơn khởi kiện và nộp tiền tạm ứng án phí chưa được xem là tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 171 BLTTDS quy định tòa thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí). Vì vậy, ông T. vẫn có quyền nhờ người khác nộp đơn khởi kiện, nộp tiền tạm ứng án phí.
Về quá trình tố tụng sau đó, luật sư Chánh cho rằng lời khai của các bên đương sự chỉ là một trong những chứng cứ để giải quyết vụ án. Không nhất thiết phải có đầy đủ lời khai của đương sự mới có thể giải quyết được vụ án mà còn tùy thuộc vào chứng cứ khác do đương sự cung cấp như đơn khởi kiện, tài liệu khác kèm theo… Việc đương sự vắng mặt tại buổi hòa giải thì tòa căn cứ vào Điều 182 BLTTDS để lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được. Do đó, trong trường hợp ông T. có đơn đề nghị tòa giải quyết vắng mặt, còn bị đơn đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà không đến, vụ án lại không có người liên quan nào khác thì tòa vẫn mở phiên xử được chứ không phải đình chỉ giải quyết vụ án.
(Theo phapluattp.vn)
Quan điểm của tác giả:

Đồng tình với luật sư Chánh là đối với việc ly hôn thì người khởi kiện có quyền ủy quyền cho người khác nộp đơn khởi kiện và nộp tiền tạm ứng án phí, nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thậm chí trong vụ án ly hôn thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền cho người khác để giải quyết mối quan hệ pháp luật tranh về tài sản và nuôi con. Đối với việc vắng mặt nguyên đơn trong suốt quá trình vụ án thì tôi cho rằng điều đó là hoàn toàn phù hợp theo quy định của pháp luật, bởi lẽ việc cung cấp chứng cứ để chứng minh cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp thì đương sự phải tự thực hiện, nếu không thực hiện thì phải chịu hậu quả pháp lý của nó. Tuy nhiên quy trình tố tụng thường kéo dài và trải qua nhiều giai đoạn và có nhiều tình tiết mới phát sinh cũng như quy định về việc tống đạt cho đương sự là phải thực hiện theo quy định của pháp luật và trải dài từ giai đoạn chuẩn bị xét xử cho đến khi mở phiên tòa nên theo tôi nếu nguyên đơn muốn vắng mặt thì phải có đơn đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt cho mỗi lần nhận thông báo của Tòa án.

1 comment:

  1. Thủ tục ly hôn khi vắng mặt gọi: 19006500
    https://luattoanquoc.com/toa-co-xu-ly-hon-khi-mot-ben-vang-mat-khong/

    ReplyDelete

Cảm Quý độc giả đã gởi nhận xét, bài viết và câu hỏi pháp luật. Chúc quý độc giả tìm được thông tin hữu ích khi tham gia và chung sức phát triển pháp luật Việt Nam cho mọi người.

Pháp luật cho mọi người sẽ phản hồi nhận xét của Quý độc giả trong thời gian sớm nhất.

Trân trọng!